Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mạnh “bất khả chiến bại” về giá của iPad 2

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ mang nhiều đặc điểm nổi trội so với “ông anh” iPad 1, chiếc máy tính bảng iPad 2 mà Apple giới thiệu cách đây ít ngày còn có một điểm hấp dẫn khó từ chối: mức giá không đổi 499 USD của thế hệ đầu tiên.

KTĐT - Không chỉ mang nhiều đặc điểm nổi trội so với “ông anh” iPad 1, chiếc máy tính bảng iPad 2 mà Apple giới thiệu cách đây ít ngày còn có một điểm hấp dẫn khó từ chối: mức giá không đổi 499 USD của thế hệ đầu tiên.

Theo tờ New York Times, ưu thế về giá của iPad 2 càng được khẳng định khi các đối thủ khác của Apple trên thị trường máy tính bảng chưa đủ khả năng cạnh tranh được với mức giá này.

Theo số liệu của “Quả táo”, từ khi iPad được tung ra vào tháng 4 năm ngoái, tới nay đã có 15 triệu chiếc máy tính bảng hiệu này được tiêu thụ, đem về doanh thu 9,5 tỷ USD cho hãng. Giới phân tích nhận định, đây mới chỉ là sự khởi đầu của một thị trường hấp dẫn, với mức doanh thu có thể lên tới 35 tỷ USD vào năm 2012.

Gần đây, đã có nhiều chiếc máy tính bảng mới xuất hiện, tìm cách cạnh tranh quyết liệt với iPad. Trong số đó phải kể tới chiếc Motorola Xoom hay Samsung Galaxy Tab. Cả hai thiết bị này đều được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại có đặc điểm là giá “chát”. Hàng loạt đối thủ khác của Apple cũng đang chuẩn bị tung ra sản phẩm máy tính bảng trong năm nay, như HP với TouchPad, HTC với Flyer, LG với G-Slate và BlackBerry với PlayBook.

Tuy nhiên, giá của các sản phẩm trên vẫn chưa được công bố, và giới chuyên gia cho biết, còn chưa rõ liệu các thiết bị mới này có thể cạnh tranh nổi với iPad về phương diện giá cả. “Đã có gần 100 chiếc máy tính bảng đối thủ được giới thiệu kể từ khi iPad có mặt trên thị trường. Nhưng dường như chưa có ai cạnh tranh nổi với sản phẩm của Apple về giá”, ông Toni Sacconaghi, nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu thị trường Sanford C. Bernstein, nhận xét.

Giới chuyên gia đã chỉ ra một số lý do tạo ra sức mạnh về giá cả của iPad. Theo họ, trước hết, khả năng tài chính của Apple cho phép hãng này thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khác để mua linh kiện với số lượng lớn và mức giá rẻ, nhờ đó cắt giảm được giá thành sản phẩm. Hiện Apple đang có trong tay lượng dự trữ tiền mặt lên tới 60 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Apple tránh được việc trả phí cấp phép cao cho những linh kiện mà hãng cần, như các bộ vi xử lý A4 và A5 trong iPad. Là phần tốn kém nhất cần thiết cho một chiếc máy tính bảng, những linh kiện này được thiết kế bởi một công ty mà Apple đã mua lại.

Ông Sacconaghi cho hay, Apple còn có thể trợ giá cho việc sản xuất iPad bằng tiền thu về từ gian hàng ứng dụng App Store - nơi đem về cho hãng hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc Apple có thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận nhỏ hơn đối với iPad so với các sản phẩm khác như iPhone. Ước tính, tỷ suất lợi nhuận của iPad là 25%, trong khi iPhone có thể đem về mức lợi nhuận 50%.

Một lợi thế nữa của Apple là mạng lưới cửa hàng bán lẻ toàn cầu và trực tuyến. Đối với người tiêu dùng, mạng lưới phân phối rộng của Apple giúp họ tránh được việc đẩy giá sản phẩm lên của bên thứ ba, chẳng hạn như của hãng bán lẻ Best Buy.

Mặc dù đối thủ của Apple cũng có một vài trong số những ưu thế trên, không ai trong số họ sở hữu tất cả những “điểm cộng” này. CEO Steve Jobs của Apple đã thể hiện rõ sự tự tin trong sự kiện giới thiệu iPad 2 hồi tuần trước khi đặt câu hỏi, năm 2011 này “liệu sẽ là một năm của sự copy?”, đồng thời tuyên bố: “Hầu hết những máy tính bảng này thậm chí còn không theo kịp chiếc iPad đầu tiên”.

Giống như Apple, Samsung đã cắt giảm chi phí sản xuất chiếc máy tính bảng Galaxy Tab bằng cách tự mình sản xuất nhiều linh kiện. Và tương tự như nhiều nhà sản xuất máy tính bảng khác, Samsung sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí Android của Google. Mặc dù vậy, Galaxy có thể có giá lên tới 549 USD nếu khách hàng không có hợp đồng với nhà mạng.

“Một công ty tự cung cấp linh kiện chưa chắc đã có được mức giá tốt nhất. Việc tự cung cấp linh kiện không đảm bảo được sự hiệu quả về chi phí”, nhà phân tích Rhoda Alexander thuộc hãng nghiên cứu iSupply nói.

Samsung tỏ ra lạc quan về doanh số ban đầu của chiếc Galaxy, cho biết hãng đã bán được 2 triệu sản phẩm. Tuy vậy, cũng giống như hầu hết các nhà sản xuất máy tính bảng khác, Samsung phụ thuộc vào bên thứ ba - như hãng bán lẻ Best Buy - trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ và gian hàng trực tuyến của Apple giúp giải quyết vấn đề này.

Chi ra hàng tỷ USD để xây những gian hàng bán lẻ “hoành tráng” hoặc đầu tư vào sản xuất con chip xử lý không phải là một lựa chọn của những công ty có quy mô nhỏ hơn như Motorola. Chiếc máy tính bảng Xoom sở hữu màn hình 10 inch, bộ vi xử lý kép và 2 camera của Motorola có giá 800 USD tại Mỹ nếu khách hàng không có hợp đồng sử dụng dịch vụ của nhà mạng. Mức giá này cao hơn khoảng 70 USD so với một chiếc iPad có bộ nhớ 32 gigabyte cùng các tính năng Wi-Fi và 3G.

Ông Alain Mutricy, Phó chủ tịch mảng thiết bị di động của Motorola, cho rằng, Xoom xứng đáng với mức giá 800 USD, xét tới bộ nhớ lớn, độ phân giải màn hình cao và tính năng 4G của chiếc máy tính bảng này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trong tương lai, Motorola sẽ mở rộng dòng sản phẩm máy tính bảng bằng cách chế tạo thêm những sản phẩm nhỏ, nhẹ hơn và có giá bán lẻ mềm hơn.

Hãng thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc cho biết sẽ nhảy vào thị trường máy tính bảng của Mỹ vào năm nay bằng chiếc S7 Slim với màn hình 7 inch, chạy hệ điều hành Android và mức giá chỉ 300 USD. Đại diện của Huawei cho biết, hãng cắt giảm chi phí của S7 bằng cách chỉ thực hiện một chiến dịch marketing khiêm tốn.

Nhà phân tích Sarah Rotman Epps thuộc hãng nghiên cứu Forrester Research, dự báo, câu chuyện giá cả sẽ ngày càng “nóng” trên thị trường máy tính bảng, vì một khi càng có nhiều lựa chọn mới xuất hiện - nhất là những thiết bị “vô danh”, chạy hệ điều hành Android và có giá rẻ hơn - người tiêu dùng lại càng muốn phải bỏ ra ít tiền hơn.

“Người tiêu dùng kỳ vọng hàng điện tử ngày càng rẻ đi. Không phải ai trong số họ cũng phân biệt các thiết bị thông qua tốc độ xử lý. Mức giá và tốc độ xử lý của những chiếc máy tính bảng hiện rất khác nhau, nhưng trong mắt người tiêu dùng, đó nhìn chung đều là những thiết bị có màn hình 7 inch”, bà Epps nói.

Theo giới chuyên môn, theo thời gian, hiệu quả sản xuất sẽ giúp các đối thủ của Apple giảm giá thành máy tính bảng. Tuy nhiên, cho tới các đối thủ của “quả táo” trở nên thực tế hơn, chiếc iPad vẫn nắm thế thượng phong về giá cả trên thị trường béo bở này.