Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức sống của làng nghề Nhị Khê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường Tín là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề tiện Nhị Khê thuộc xã Nhị Khê.

Nhờ phát triển nghề truyền thống kết hợp với thương mại du lịch đã giúp cho vùng quê nơi đây ngày càng khởi sắc.

Đa dạng hóa sản phẩm

Làng Nhị Khê xưa có tên Nôm là làng Dũi, thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Nơi đây vốn là mảnh đất văn hiến, khoa bảng, quê hương của những bậc vĩ nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… Ngoài ra, Nhị Khê còn nổi tiếng với nghề tiện truyền thống, chuyên cung cấp những sản phẩm tiện bằng gỗ vô cùng tinh xảo cho thị trường cả nước. Nếu như trước đây, những vĩ nhân đã làm rạng danh ngôi làng này, thì ngày nay nghề tiện cũng khiến Nhị Khê nổi tiếng.
Người dân làng nghề Nhị Khê loại các hạt gỗ tại xưởng.
Người dân làng nghề Nhị Khê loại các hạt gỗ tại xưởng.
Xưa kia làng nghề chuyên sản xuất đồ gia dụng, đồ thờ cúng như ống hương, mâm bồng, chân bàn ghế, chấn song cửa… Ngày nay, bằng sự sáng tạo, người thợ Nhị Khê đã sản xuất ra hàng trăm mặt hàng có mẫu mã khác nhau ngày càng tinh xảo hơn như chiếu gỗ, đệm ghế ô tô, mành cửa, lọ hoa, chuỗi hạt… Không những thế, người thợ Nhị Khê còn khéo léo kết hợp nghề mộc cao cấp với sơn mài, điêu khắc, khảm trai để tạo ra những sản phẩm tiện tinh xảo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng trang trí, mỹ nghệ cao cấp.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay, làng tiện Nhị Khê vẫn đang phát triển lớn mạnh từng ngày, không khí sản xuất nơi đây luôn nhộn nhịp cho thấy sức sống mãnh liệt của một làng nghề. Ông Nguyễn Viết Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê tự hào cho biết, thôn Nhị Khê có gần 600 hộ dân thì có tới 80% số hộ theo nghề. Ở Nhị Khê, mỗi gia đình giống như một xí nghiệp sản xuất khép kín, làm ra những sản phẩm riêng biệt. Nghề tiện không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác, với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Triển vọng phát triển du lịch

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, làng tiện Nhị Khê còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Khi đến Nhị Khê, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm từ gỗ và những món quà lưu niệm được bày bán tại các cửa hàng. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu, tham quan các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Đình làng, miếu Trúc, nhà thờ tổ nghề tiện, đền thờ Nguyễn Trãi… Việc kết hợp du lịch với phát triển làng nghề vừa là cơ hội quảng bá sản phẩm, vừa để phát triển các loại hình dịch vụ ở địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhìn tổng quan "bức tranh" du lịch ở Nhị Khê còn thiếu hấp dẫn, quy hoạch làng nghề chưa đồng bộ. Các xưởng sản xuất hoạt động nhỏ lẻ, riêng biệt, xen lẫn vào khu dân cư. Tại địa phương chưa có DN làm du lịch chuyên nghiệp, dịch vụ còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và giao thông chưa đáp ứng nhu cầu. Khách du lịch khi đến đây thường không lưu trú lại lâu.

Theo lãnh đạo xã, cùng với duy trì, phát triển nghề, địa phương cũng đang cố gắng để khai thác tiềm năng du lịch còn bị bỏ ngỏ. Trong thời gian tới, ngoài việc quy hoạch lại làng nghề, xã sẽ định hướng, vận động người dân trang bị cho mình những kỹ năng làm du lịch cơ bản nhất, có như vậy mới phát huy được hết thế mạnh của địa phương.