Ngày nay, trên địa bàn huyện cũng có một làng làm giò chả nổi tiếng không kém, đó là làng Hoàng Trung, xã Hồng Dương.
Khẳng định thương hiệu
Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng làng nghề giò chả Hoàng Trung đang dần khẳng định được tên tuổi và vị thế trong giới ẩm thực Việt. Được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2003, uy tín của làng nghề ngày được nâng cao. Người làm nghề nơi đây luôn đặt lên hàng đầu sự an toàn trong từng mẻ hàng. Giò chả Hoàng Trung không dùng thêm bất kỳ chất phụ gia nào khác. Việc bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng được cải thiện đáng kể. Hiện nay, mọi khâu từ hấp giò tới rán chả đều dùng bằng bếp điện, không phải dùng đến than như trước kia, nên hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
Anh Lê Xuân Danh - một người đã gắn bó với nghề làm giò chả hơn 20 năm cho biết, nghề làm giò chả ở Hoàng Trung có truyền thống lâu đời nhưng chỉ phát triển mạnh khoảng hơn 10 năm nay. Để làm được khoanh giò ngon, nguyên liệu phải được chọn lựa rất khắt khe. Thịt để làm giò phải là lợn khỏe, thịt mổ ra còn tươi, khi cắt, miếng thịt cuốn theo dao. Lá để gói giò phải là lá chuối quê, nếu không chọn lá cẩn thận, khi gói giò sẽ không ngon và nhanh ôi. Giò thành phẩm phải có màu hồng nhạt, cắt khoanh giò phải thấy có các “lỗ hút trạch” và có mùi thơm ngậy.
Sản phẩm chủ yếu của làng là giò lụa, chả quế và chả mỡ. Hiện nay, ở làng chủ yếu các hộ sản xuất từ 10 - 20kg, chỉ có khoảng 10 hộ sản xuất với quy mô lớn - vài tạ giò chả/ngày. Trung bình cứ làm 10kg giò chả thì thu lãi khoảng 300.000 đồng. Những hộ làm nhiều có thu nhập vài triệu đồng/ngày. “Nghề làm giò chả tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng khá và ổn định” - anh Danh chia sẻ.
Người làng Hoàng Trung hiện nay ngoài bán giò chả còn nhập thêm bánh chưng, bánh dày, xôi… để bán kèm. Đây cũng là nguồn tăng thêm thu nhập cho người làm nghề, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho những hộ dân khác trong làng về dịch vụ đồ xôi, làm bánh. Nhờ có nghề làm giò chả đã kéo nhiều dịch vụ khác phát triển theo.
Mong chờ thương hiệu
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Hùng cho biết, Hồng Dương có 7 thôn thì cả 7 thôn đều có nghề truyền thống. Trong đó, làng nghề sản xuất giò chả Hoàng Trung là phát triển hơn cả. Hiện nay, thôn có 600 hộ thì có tới 70% số hộ làm nghề, gồm cả những hộ tham gia vào các khâu dịch vụ cung cấp nguyên liệu, phụ gia cho những hộ sản xuất chính. Nghề làm giò chả thực sự là thế mạnh, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Hoàng Trung. Cũng chính nghề đã góp phần đưa tỷ trọng nghề phụ và dịch vụ lên 60% tổng giá trị kinh tế của làng, nhiều hộ làm nghề giàu lên trông thấy. Nghề giò chả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hoàng Trung, nhờ đó hạn chế các tệ nạn xã hội, an ninh chính trị được giữ vững. Thu nhập bình quân của người dân thôn Hoàng Trung năm 2015 là 40 triệu đồng/người, là thôn có mức thu nhập bình quân cao nhất của xã Hồng Dương.
Tuy nhiên, người làng nghề hiện nay chưa hẳn đã hết khó khăn. Việc sản xuất vẫn còn manh mún nên hiệu quả không cao. Đặc biệt, sản phẩm giò chả của làng chưa được công nhận thương hiệu. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân Hoàng Trung là sản phẩm của làng sớm được công nhận thương hiệu để giá trị ngày càng được nâng cao, thu nhập của người dân được cải thiện hơn. Mặt khác, sớm có điểm quy hoạch làng nghề để người dân yên tâm sản xuất, phát triển làng nghề ngày một giàu mạnh hơn.
Chị Nguyễn Thanh Thùy, người dân thôn Hoàng Trung đang bán giò chả tại chợ Hà Đông.
|