Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sung túc nhờ nghề làm nhà gỗ cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất - địa phương “nhất làng, nhất xã”, từ xưa đã nổi tiếng với một nghề độc đáo là làm nhà gỗ cổ.

Nhờ sự gắn bó và phát triển bền vững nghề truyền thống của những người thợ tài hoa mà cuộc sống của người dân nơi đây luôn ấm no, sung túc.

Truyền thống gần ngàn năm

Tương truyền, nghề mộc nói chung và nghề làm nhà gỗ cổ của Hương Ngải nói riêng có cách đây gần 1.000 năm. Cùng với sự phát triển của xã hội, nghề mộc được người dân Hương Ngải lưu truyền và phát triển từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay. Từ xa xưa, trong làng đã hình thành từng tốp thợ đi khắp nơi xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các ngôi đình, chùa, nhà thờ tổ… phục vụ nhu cầu của người dân trong cả nước. Những công trình nổi tiếng có bàn tay người thợ Hương Ngải tham gia như phục dựng Nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đình Quán ở Từ Liêm, nhà cổ ở Đường Lâm… Anh Nguyễn Hữu Ngân, năm nay mới 33 tuổi nhưng đã có 20 năm gắn bó với nghề cho biết, đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết đều phải chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Loại gỗ được khách hàng ưa chuộng hiện nay là gỗ xoan, mít và lim. Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm. Ngoài đôi tay khéo léo, kỹ thuật điêu luyện thì người thợ cần có cả tâm huyết thì tác phẩm làm ra mới đẹp. Giá thành của những ngôi nhà gỗ cổ này cũng rất đa dạng, tùy theo kích thước và loại gỗ mà dao động từ vài trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng. “Nhà tôi có 3 anh em trai thì tất cả đều theo nghề của cha ông. Nhờ có nghề truyền thống mà đời sống gia đình luôn được sung túc” - anh Ngân chia sẻ.
Anh Nguyễn Hữu Ngân đang làm việc tại xưởng mộc của gia đình. 	Ảnh: Nguyễn Nga
Anh Nguyễn Hữu Ngân đang làm việc tại xưởng mộc của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nga
Ngoài phục dựng nhà cổ, ở Hương Ngải còn phát triển mạnh về các sản phẩm mộc dân dụng, đồ thờ… Hiện nay, cả nước có rất nhiều làng nghề mộc và phục dựng nhà cổ, tuy nhiên theo đánh giá và so sánh của nhiều người thì những sản phẩm của làng Hương Ngải làm ra thường có hoa văn đẹp, chất lượng đảm bảo hơn so với những nơi khác. Chính vì lẽ đó mà khách hàng từ những nơi xa cũng lặn lội về đây để đặt hàng.

Hướng tới phát triển bền vững

Đến Hương Ngải ngày nay, điều dễ nhận thấy là bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Những ngôi nhà cao tầng nối nhau mọc lên san sát. Những con đường bê tông kiên cố trải dài từ đầu làng đến cuối xóm. Dọc hai bên đường là những dãy nhà, xưởng gỗ với không khí làm việc hối hả. Những chuyến xe chở gỗ đến, lấy hàng đi tấp nập đường làng. Ông Vũ Duy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải không giấu nổi niềm vui cho biết, nhờ có nghề mộc phát triển mà đời sống của người dân nơi đây luôn được đủ đầy, sung túc. Hiện trong làng có gần 900 gia đình làm nghề truyền thống cha ông để lại. Do nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất, hoành phi câu đối và phục dựng nhà gỗ cổ ngày một tăng cao nên những năm qua, hoạt động sản xuất của làng nghề luôn phát triển. Nghề mộc mỗi năm đóng góp vào ngân sách của địa phương trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phát triển làng nghề còn có ý nghĩa rất lớn đối với an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các vùng lân cận.

Để khuyến khích làng nghề phát triển, UBND xã Hương Ngải đã đầu tư xây dựng 2 điểm tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích 11.400m2, tạo mặt bằng cho các hộ làm nghề mộc phát triển. Ngoài ra, xã luôn chú trọng tuyên truyền các hộ sản xuất bảo vệ môi trường. Qua đó, hầu hết các hộ làm nghề đều chấp hành tốt VSMT trong khu dân cư và khu vực sản xuất. Rác thải sản xuất được các hộ tận dụng làm chất đốt, thu mua làm vật liệu gia công hàng hóa, do vậy hạn chế không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đây chính là những cơ sở, điều kiện để làng nghề tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.