Suy ngẫm về ý thức giao thông

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện mở rộng đường Láng và chủ trương dành một phần đường mới mở cho người đi bộ và xe đạp ven sông Tô Lịch được dư luận rất quan tâm trong thời gian này.

 Lắp rào chắn xe máy trên đường đi bộ ven sông Tô Lịch. Ảnh: Nguyễn Trọng.

Theo thiết kế, dự án cải tạo, mở rộng đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, dành một phần đường cho xe cơ giới. Phần đường này đã được mở rộng thành 3 làn xe, thảm trải êm thuận, phục vụ lưu thông từ giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Phần đường còn lại dành cho người đi bộ và xe đạp ven sông chuẩn bị hoàn tất để đưa vào sử dụng.
Hôm 23/3 vừa qua, đơn vị chức năng đã lắp rào chắn nhằm ngăn xe máy đi vào. Và sẽ chẳng có gì để bàn nếu như đại bộ phận người tham gia giao thông tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy tắc, quy định về đảm bảo, trật tự an toàn giao thông. Dẫu chưa đưa vào sử dụng, đã có ý kiến cho rằng sẽ khó thực hiện hiệu quả nếu không được duy trì việc kiểm tra giám sát, rồi hàng rong sẽ lại "tràn" vào, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông, mất mỹ quan đô thị.

Ở nhiều nước, họ chỉ cần một tấm biển chỉ dẫn là người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc. Việc phải làm đến 3 lớp rào chắn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người điều khiển xe máy cố tình đi vào nhưng nó cũng phản ánh thực trạng ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Đã có người thẳng thắn rằng: "Sẽ chẳng có tấm rào chắn nào vững chãi bằng văn hóa thật sự. Tấm biển trong tư duy của người văn minh có giá trị hơn triệu lần những hàng rào chắn. Sự văn minh, tuân thủ luật pháp mới chính là những hàng rào chắc chắn nhất và cũng là thứ để đẩy lùi thói bừa bãi khi tham gia giao thông...". Xây dựng văn hóa giao thông hãy bắt đầu tư việc nhỏ ứng xử hàng ngày khi đi trên đường. Điều đó khó quá chăng?