Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Suy nghĩ trước thềm năm mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thủ đô Hà Nội và cả nước vượt qua năm 2012 với nhiều thành tựu đáng khích lệ. Bước vào năm 2013, mỗi người dân Hà Nội và cả nước đều có những kỳ vọng mới về những đổi thay của đất nước và Thủ đô.

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu những suy nghĩ đầu năm của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, nhà quản lý, người dân… về những kỳ vọng trong năm mới.

 TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Tạo đà cho Hà Nội phát triển "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 1

Luật Thủ đô được ban hành đã thể chế hóa quyết tâm của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân để xây dựng Hà Nội xứng tầm với vị thế mà lịch sử đã giao phó. Hà Nội đang đứng trước vận hội phát triển cũng như thách thức. Nhưng hoàn toàn có cơ sở để tin rằng với bề dày truyền thống, cùng những thành tựu Hà Nội đã đạt được trong những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng của của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, của Đảng bộ, HĐND, chính quyền và người dân thành phố, Luật Thủ đô sẽ đi vào cuộc sống để tạo đà cho Hà Nội phát triển "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", vươn mình trong hội nhập và phát triển bền vững. Luật Thủ đô đã cụ thể hóa phân bố dân cư trên địa bàn Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đặt ra yêu cầu về kế hoạch tổ chức thực hiện.

Luật Thủ đô cũng đã cụ thể hơn về quy định này thiết kế và quy hoạch đô thị và giao trách nhiệm cho HĐND TP quyết định trục đường mới mở. UBND TP quyết định ranh giới, mốc giới, hiện trạng đất hai bên đường phải thu hồi để xây dựng đường giao thông. Như vậy, Hà Nội sẽ phải có sự cải cách trong phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các tuyến đường mới mở.

Đảng viên Nguyễn Văn Tâm (Hoàng Liệt - Hoàng Mai):

Kiểm điểm rõ người, rõ việc hơn

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 2

Năm 2012, việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 đã được làm nghiêm túc từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Thành ủy đến các Đảng bộ cấp trên. Việc kiểm điểm này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức mà còn cả trong công việc. Tuy nhiên, để tạo chuyển biến thực sự trong công tác này trong năm 2013, tôi thấy rằng trong quá trình kiểm điểm ở các Đảng bộ cấp dưới cần được làm rõ nét, rõ người, rõ việc hơn. Đối tượng lấy ý kiến đánh giá cũng cần mở rộng hơn, nhất là đối với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Có như vậy, chất lượng kiểm điểm mới phản ánh đúng thực tế.

 

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 3

  Ảnh: Thanh Hải

 Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Khuất Việt Hùng:

Tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề giao thông đô thị

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 4

Năm 2012 chứng kiến những nỗ lực lớn của TP Hà Nội trong việc nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp và quyết liệt mang đến những kết quả khả quan cải thiện tình hình giao thông. Nhóm giải pháp quản lý giao thông, như điều chỉnh giờ học, giờ làm, kiểm soát đỗ xe trên 263 tuyến phố chính, nâng cao mức phí đỗ xe;… những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt và đặc biệt là việc xây dựng và đưa vào khai khác những cây cầu vượt nhẹ tại các nút giao trọng điểm đã góp phần kéo giảm số lượng và thời gian các vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Bước sang năm 2013, giao thông Thủ đô tiếp tục đứng trước những thách thức lớn. Vấn nạn ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều này, đòi hỏi chính quyền và nhân dân TP tiếp tục phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012.

Đối mặt với những thách thức này, tôi cho rằng Hà Nội có thể xem xét nghiên cứu để thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý giao thông đô thị; Xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe cá nhân hoặc kinh doanh, buôn bán; Khắc phục các vị trí "thắt cổ chai" về năng lực trong mạng lưới kết cấu hạ tầng; Xây dựng các cầu vượt nhẹ tại những nút giao thông thường xuyên ách tắc; Nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ của hệ thống VTHKCC của thủ đô trong đó tập trung vào mở rộng mạng lưới tuyến đến các khu vực ngoại thành. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thực thi pháp luật và xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm Luật Giao thông.

Chị Nguyễn Minh Lý (Thanh Xuân Bắc - Thanh Xuân):

Tạo "kênh" riêng để người dân giám sát cán bộ

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 5

Năm 2013 đã được Hà Nội chọn là năm "Kỷ cương hành chính", theo tôi là rất đúng, rất trúng. Thời gian qua, mặc dù dù thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác cải cách hành chính, nhưng công tác này vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Đâu đó vẫn còn tiếng phàn nàn của doanh nghiệp, của nhân dân. Chính điều này đã cản trở sự phát triển chung, tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng.

Tôi cho rằng, bên cạnh việc củng cố hạ tầng phục vụ cho cải cách hành chính, quan trọng nhất vẫn là trình độ và ý thức của cán bộ, công chức. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần có những "kênh" riêng để người dân có thể giám sát thái độ, phương pháp làm việc và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ để có những phương án điều chỉnh, thay thể kịp thời.

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 6

  Ảnh: Hùng Việt

 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Võ Trí Thành:

Minh bạch và nhất quán trong xây dựng chính sách

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 7

Năm 2013, Việt Nam mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước và giữ chỉ số lạm phát ở một con số. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố bên ngoài, tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn phụ thuộc vào chính sách điều hành, trong đó việc tăng giá điện, tăng lương… cũng là những yếu tố cấu thành nên chỉ số lạm phát.

Cái khó nhất là chúng ta vừa phải tập trung giải quyết các vấn đề vĩ mô, vừa phải phục hồi nền kinh tế. Nếu làm quá mạnh sẽ gây bất ổn, thâm hụt ngân sách, nhưng làm không tới, kinh tế sẽ chậm chuyển biến, không đủ vực dậy kinh doanh. Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, theo tôi phải thực sự bắt tay vào tái cấu trúc. Song muốn thị trường ấm lại, phải chờ đến tháng 3 - 4 khi bài toán xử lý nợ xấu của ngân hàng đã cơ  bản  được giải quyết, chính sách tài khóa và tài chính - tiền tệ đồng bộ... lúc đó các dòng tín dụng mới có cơ hội quay lại thị trường. Mặt khác, dư địa chính sách vẫn đang khá hạn hẹp, nên khó có thể đòi hỏi nền kinh tế ấm lại nhanh chóng.

Tiền không thiếu, vấn đề là phải có ý tưởng, lòng tin, sự minh bạch và nhất quán trong chính sách. Chính sách phải thực sự bắt tay vào cải cách nền kinh tế, bên cạnh xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém thì phải điều chỉnh cả khu vực doanh nghiệp  Nhà  nước, đầu tư công.

Các giải pháp có thể chưa thực hiện được tổng thể nhưng một vài chấm phá như thế sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Quan trọng nhất là chúng ta phải "thực" hơn trong phát triển kinh tế và xây dựng chính sách. Nếu Việt Nam làm được những điều này, năm 2013 sẽ là năm vẻ vang của cả nền kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT PGS.TS Bùi Anh Tuấn:

"Điểm tựa" để đổi mới toàn diện giáo dục đại học

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 8

Tín hiệu vui nhất khi bước sang năm mới 2013 này là Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực, ngành giáo dục có thêm "điểm tựa" để quyết liệt và tự tin hơn trong việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nhiều trường đại học mong đợi bộ Luật này bởi hành lang pháp lý cho giáo dục đại học trở nên rõ ràng hơn. Và điều quan trọng hơn là quyền tự chủ của các trường đại học sẽ được pháp luật bảo hộ. Các trường sẽ được chủ động làm nhiều việc mà trước đây phải qua nhiều thủ tục phức tạp và nhiều khi vô lý.

Cụ thể ở đây là nhiều vấn đề mới của giáo dục đại học được đặt ra, liên quan trực tiếp đến tổ chức quản lý của các trường. Đơn cử như việc nhà trường được chủ động xây dựng, thẩm định và công bố chương trình đào tạo. Bộ GD&ĐT không can thiệp sâu vào các hoạt động của các nhà trường trong chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo. Các trường được được phép nhập nghiên cứu chương trình đào tạo nước ngoài về viết lại, nếu thấy cần thiết thì đưa vào giảng dạy… Chưa kể những qui định về chuẩn của giáo viên, khung chương trình đào tạo quốc gia. Điều này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện cho các trường đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện để sinh viên được tiếp cận với những phương pháp học mới, hiện đại, đúng chuyên ngành và gần với thực tế sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 9

Ảnh: Duy Tường

Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Nguyễn Thái Dũng:

Mong có chính sách mạnh hơn giúp hàng Việt lan tỏa rộng

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 10

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhưng khi tìm hiểu sâu, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm yếu, trong đó phải kể đến chính sách chưa ổn định, giá bất động sản còn rất cao đối với các nhà phân phối để lập mặt bằng kinh doanh. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn nhiều hạn chế, làm giảm khả năng lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực kinh doanh thương mại trong nước còn nhiều rào cản. Sức cạnh tranh của ta còn kém để có thể trở thành địa chỉ "đắc địa" trên bàn cân so với các quốc gia khác. Đó là lý do giải thích vì sao các nhà phân phối chưa thực sự mặn mà vào Việt Nam so với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…

Hiện hàng Việt trong siêu thị đã bắt đầu chiếm tỷ trọng lớn, nhưng chúng ta chưa kiểm soát được kênh phân phối ở vùng sâu, xa. Hàng nhập khẩu chất lượng kém đang len lỏi ngày càng nhiều vào thị trường nông thôn. Doanh nghiệp đã đưa được một số chuyến hàng về nông thôn nhưng chưa thực sự đủ đáp ứng nhu cầu. Thực tế cho thấy, khi hàng Việt chất lượng cao về đây, bà con rất phấn khởi. Vì vậy, cần có chính sách rõ ràng và đẩy mạnh hơn công tác đầu tư, hỗ trợ phân phối, giám sát kênh bán lẻ truyền thống tại nông thôn. Thời gian qua, khâu tuyên truyền chưa hiệu quả để hàng Việt có sức lan tỏa tới vùng sâu, xa.

Ông Trần Lợi, Trưởng thôn Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì:

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Suy nghĩ trước thềm năm mới - Ảnh 11

Mong muốn lớn nhất của người nông dân trong năm mới 2013 là các cấp, các ngành đẩy mạnh xúc tiến xây dựng nông thôn mới theo đúng chủ trương, quy hoạch của thành phố, huyện. Trong đó, cần quan tâm tới việc dồn điền, đổi thửa, tạo vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa để nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân. Thành phố cũng như huyện, xã cần có các biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận với các giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng cây trồng và tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Hiện nay, hai nhu cầu thiết yếu nhất của người dân khu vực nông thôn là nước sạch và vệ sinh môi trường. Bởi vậy, chúng tôi mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống nước sạch tới các hộ gia đình, đảm bảo tất cả người dân nông thôn đều được sử dụng nước sạch. Đồng thời, xây dựng các trạm xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các thôn, xóm và đồng ruộng.

Ngoài ra, tôi mong muốn thành phố có chương trình đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn một cách có trọng tâm, trọng điểm và mang tính thực tế. Trước mắt, nên tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, thủy lợi nội đồng, sau đó xây dựng, duy tu các công trình văn hóa, di tích lịch sử, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.