Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SV “choáng” khi trường áp dụng học theo hệ thống tín chỉ mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng trăm sinh viên năm cuối Trường ĐH Xây dựng bất ngờ và choáng váng khi trường thông báo từ năm học 2011 - 2012 áp dụng Quy chế 43 về đào tạo ĐH, CĐ theo hệ thống tín chỉ.

Bởi khi trường áp dụng Quy chế này, sinh viên (SV) sẽ phải lùi thời gian làm đồ án tốt nghiệp đến bao giờ phải học trả nợ môn, tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình.

Từ năm học 2011-2012, Trường ĐH Xây dựng áp dụng Quy chế 43 về đào tạo ĐH, CĐ theo hệ thống tín chỉ. Nhiều SV khóa cũ đã từng học quy chế 25 lo lắng phản ánh: “Khi trường áp dụng quy chế này đã gây rất nhiều thiệt thòi cho chúng em. Cụ thể theo quy chế mới để được nhận đồ án tốt nghiệp SV phải trả nợ tất cả các môn đang học thì mới được xét giao nhận Đồ án tốt nghiệp. Thông thường như mọi năm theo quy chế cũ SV nợ từ 1-3 môn nhà trường vẫn tạo điều kiện vừa xét giao nhận đồ án tốt nghiệp vừa cam kết học trả nợ môn trong kỳ. Quy định mới đã khiến cho gần 1.000SV khóa cũ chúng em không thể tốt nghiệp trong năm học này”.

Một SV buồn rầu nói: “Em hiện đang nợ một môn học, mỗi tuần chỉ đến trường một buổi để học, thời gian còn lại ngồi chơi, chờ hẳn 1 năm sau mới được xét giao nhận đồ án tốt nghiệp”.
 
Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Anh, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Trước đây khi áp dụng Quy chế 25 việc xét giao Đồ án tốt nghiệp tùy thuộc vào từng trường nên những năm học trước nhà trường cho phép SV nếu còn nợ 5 đơn vị học trình thì vừa được học trả nợ trong học kỳ vừa được giao làm đồ án tốt nghiệp. Nhưng việc học này dẫn đến chất lượng làm đồ án không tốt nên nhà trường giảm từ nợ 5 đơn vị học trình xuống còn 3 đơn vị học trình mới được nhận đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2011 - 2012, nhà trường áp dụng Quy chế 43, yêu cầu SV trả nợ hết các môn, mới được giao đồ án tốt nghiệp. Theo đó, khóa học cuối có gần 800 SV ra trường trước thời hạn là 4 năm (thời gian một khóa học trong trường ĐH Xây dựng là 5 năm). Đây đều là những SV có học lực khá. Còn lại khoảng hơn 1.000 SV sẽ phải trả nợ xong cho đủ các môn nhà trường mới giao đồ án tốt nghiệp. Trong số những em này, có em nợ 1 môn có em nợ nhiều môn”.

Ông Phạm Xuân Anh cũng cho hay, việc áp dụng Quy chế 43 được nhà trường thông báo từ 5/2010 và đến tháng 8/2011 nhà trường mới ban hành. Mỗi năm nhà trường tổ chức 2 đợt  xét chính thức giao đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn linh hoạt nếu có khoảng 20 - 30 em trả nợ xong các môn thì nhà trường sẽ tổ chức xét giao đồ án tốt nghiệp bổ sung trước thời điểm quy định .

“Quy chế 43 khác với quy chế 25 đòi hỏi SV phải nỗ lực hơn rất nhiều vì thang điểm đánh giá cả quá trình học tới 40% và điểm thi học phần là 60%. Nên SV nào có lực học kém không cố gắng, nỗ lực, tích lũy điểm sẽ bị thôi học. Do vậy, các em cần xác định học cho bản thân chứ học chỉ để lấy bằng sẽ bị thải loại” - ông Phạm Xuân Anh chia sẻ.

Trước đó, trường ĐH Mỏ - Địa chất khi áp dụng Quy chế 43, nhà trường và SV cũng bất ngờ khi có tới hơn 800 SV bị thôi học. Khi sự việc xảy ra, buộc nhà trường phải giải quyết tình thế và chọn phương án giảm yêu cầu của quy chế 43.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, yêu cầu các trường áp dụng Quy chế 43 về đào tạo ĐH, CĐ theo học chế tín chỉ để nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra. Phương pháp học theo hệ thống học tín sẽ giảm thời lượng trên lớp cho SV và tăng cường môn tự học ở nhà.

Ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa chất lưu ý với SV đang học tín chỉ:  "Quy chế 43 đòi hỏi chất lượng cao hơn so với Quy chế 25, đòi hỏi SV phải học thật. Để khỏi bị rơi vào tính thế trên, các em phải thường xuyên theo dõi kết quả học tập để biết kết quả học tập của mình. Nếu thấy điểm dưới mức D (dưới 2) thì nên xin học lại môn đó. Nếu lực học yếu thì nên rút bớt tín chỉ mình đăng ký trong kỳ học (vì học tín chỉ chỉ đăng ký học mới bị xử lý)".

 
Điều 24, Quy chế 43 (Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐTngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

1. Đầu học kỳ cuối khoá, các sinh viên được đăng ký làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp hoặc học thêm một số học phần chuyên môn được quy định như sau:

a) Làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp: áp dụng cho sinh viên đạt mức quy định của trường. Đồ án, khoá luận tốt nghiệp là học phần có khối lượng không quá 14 tín chỉ cho trình độ đại học và 5 tín chỉ cho trình độ cao đẳng. Hiệu trưởng quy định khối lượng cụ thể phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường.

b) Học và thi một số học phần chuyên môn: sinh viên không được giao làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp phải đăng ký học thêm một số học phần chuyên môn, nếu chưa tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình.

2. Tùy theo điều kiện của trường và đặc thù của từng ngành đào tạo, Hiệu trưởng quy định:

a) Các điều kiện để sinh viên được đăng ký làm đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp;

b) Hình thức và thời gian làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp;

c) Hình thức chấm đồ án, khoá luận tốt nghiệp;

d) Nhiệm vụ của giảng viên hướng dẫn; trách nhiệm của bộ môn và khoa đối với sinh viên trong thời gian làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp.3. Đối với một số ngành đào tạo đòi hỏi phải dành nhiều thời gian cho thí nghiệm hoặc khảo sát để sinh viên hoàn thành đồ án, khoá luận tốt nghiệp, trường có thể bố trí thời gian làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp kết hợp với thời gian thực tập chuyên môn cuối khoá.