SV-STARTUP 2020: Đánh thức khát vọng khởi nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) 2020 (SV-STARTUP 2020) đã khép lại thành công, với nhiều cung bậc cảm xúc của cả người chiến thắng cũng như những đội chưa đạt giải cao. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả mà các em HSSV nhận được, đó chính là tinh thần, động lực khởi nghiệp sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trưng bày tại ngày hội khởi nghiệp
Nơi hội tụ hàng trăm ý tưởng
Sau 3 năm triển khai Đề án 1665 và 3 lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của HSSV đã thu hút đông đảo các ý tưởng, dự án tham gia. Được phát động từ tháng 7/2020, cuộc thi đã nhận được gần 600 bài dự thi, nhiều hơn 200 bài dự thi so với năm 2019. Các dự án khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, từ khoa học, công nghệ, chế biến thực phẩm, giáo dục, y tế…

Bộ GD&ĐT đã tạo ra một sân chơi bổ ích cho HSSV, trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới giáo dục, đưa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo vào giáo dục. Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều DN startup thành công trong nhà trường, nhưng qua đó chúng ta có thể khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của thế hệ trẻ, giúp các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích sau khi ra trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hầu hết các tác phẩm lọt vào vòng chung kết đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và có thể áp dụng vào thực tiễn, tính sáng tạo, được các giám khảo đánh giá cao. Nhiều dự án đã triển khai và bước đầu thành công, chuyển sang giai đoạn có lãi, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, do đó sẽ có nhiều nhà đầu tư, quan tâm đến các dự án này.

Em Nguyễn Thị Nga, học sinh trường THCS Lê Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh với dự án sản xuất nước chấm cua đồng bày tỏ: “Nước chấm cua đồng là món ăn dân dã của người dân Hà Tĩnh, nhưng từ trước tới nay chưa có đơn vị nào đứng ra sản xuất để thương mại hóa sản phẩm. Vì vậy, thông qua cuộc thi khởi nghiệp này, chúng em muốn mang đặc sản quê hương tới thực khách cả nước. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”. Còn em Nguyễn Mạnh Cường, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công nghệ GTVT đã nung nấu ý tưởng về chiếc chổi quét trần nhà 4.0 từ rất lâu, nhưng chưa có động lực để hiện thực hóa. Chỉ đến cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên được phát động, Cường mới mạnh dạn đăng ký tham gia và mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược sản xuất sản phẩm.

Là thành viên của đội giành giải Nhất của cuộc thi dành cho khối sinh viên, em Lê Thụy Tường Vân, sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh xúc động nói: “Tham gia cuộc thi HSSV khởi nghiệp đã mang lại cho chúng em nhiều cơ hội để cọ xát với những người có chung đam mê, với các DN và trường đại học, viện nghiên cứu. Chúng em sẽ cố gắng sáng tạo không ngừng để ý tưởng đạt hiệu quả cao nhất”.
 Dự án nước chấm cua đồng của học sinh trường THCS Lê Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ảnh: Phương Nga
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Tuy các dự án tham gia cuộc thi mới chỉ dừng lại ở ý tưởng sơ khai, chưa tung ra thị trường. Nhưng việc tham gia cuộc thi là cơ hội giúp HSSV có cơ hội cọ xát, đánh giá về khả năng thực thi của dự án và có thể tiếp cận được với các nhà đầu tư.

Tham dự cuộc thi, các học sinh được thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đây đồng thời là môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà” gồm: Nhà nước – nhà trường – DN. Với Nhà nước, sản phẩm của giáo dục và đào tạo chính là nguồn nhân lực chất lượng cao; với DN, đây là một sân chơi bổ ích để tìm kiếm ý tưởng, dự án mới để có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Trên thực tế, nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai luôn là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho những ai bắt đầu khởi nghiệp. Nhận thức rõ điều này, nên từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn về cơ chế tài chính để triển khai Đề án 1665. Trong đó, có nội dung liên quan đến hỗ trợ nguồn vốn cho HSSV khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp tại cơ sở đào tạo và đặc biệt là xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ nguồn xã hội hóa. Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, nguồn lực lớn nhất khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, lá cái độc quyền mà HSSV Việt Nam đang sẵn có, cần được khai thác và trao cơ hội cho các em.

Ngày 30/10/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này.

Để cụ thể hoá Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã giao Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (NOVAEDU) là đầu mối thực hiện chuỗi các sự kiện liên quan như Cuộc thi ý tưởng Khởi nghiệp Học sinh Sinh viên và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia (SV_StartUp) từ năm 2018.

Hành trình người khởi nghiệp tại các trường PTTH, cao Đẳng và đại học từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2021. Với sự “vào cuộc” của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng thực hiện đề án.

Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020 đã diễn ra trong hai ngày 21 và 22/12 tại trường Đại học Thuỷ Lợi, Hà Nội. Ngày hội được tổ chức với quy mô toàn quốc, gần 20 triệu học sinh, sinh viên của 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT tham gia với sự đồng hành của các đơn vị: Ngân hàng Vietcombank, Bắc Á Bank, Tập đoàn Lê Khánh, Tập đoàn N&G group, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Công ty JVNET, Hội DN trẻ, Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) ... Cuộc thi được phát động từ tháng 7/2020, đến nay đã nhận được gần 600 bài dự thi, tăng gấp hai lần so năm 2019.
Kết quả chung cuộc của cuộc thi, nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã giành giải Nhất với ý tưởng làm giấy từ thân cây chuối dành cho khối sinh viên. Ở khối học sinh, giải Nhất thuộc về dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của học sinh đến từ Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lắc. Các đội đã nhận được Bằng khen của Bộ GD&ĐT; tiền thưởng; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần