Syria: Cuộc đấu về chiến lược và sách lược, về chính trị và quân sự

Đại sứ Trần Đức Mậu (*)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga và vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đều liên quan đến mối quan hệ giữa Phương Tây với Nga.

Ở đất nước Syria hiện lại có chuyện liên quan đến chất độc hoá học. Chất độc hoá học trong chuyện này không giống như chất độc hoá học mà Tổ chức cấm vũ khí hoá học của Liên Hợp quốc (OPCW) vừa xác nhận là đã được sử dụng trong vụ đầu độc ở Anh.
Nhưng hai vụ việc này lại liên quan đến nhau trên nhiều phương diện chứ không phải chẳng tương tác gì với nhau. Nó đều liên quan đến mối quan hệ giữa Phương Tây với Nga.
Chuyện xảy ra ở nước Anh đã làm cho mối quan hệ này trở nên tồi tệ đi nghiêm trọng bởi các nước Phương Tây cáo buộc Nga là thủ phạm cho dù chỉ trên cơ sở suy diễn chứ không có bằng chứng xác thực và cụ thể. Các nước này đã phát động hẳn một cuộc chiến ngoại giao chưa từng thấy trước đó chống lại Nga.
 Mỹ và phương Tây cáo buộc chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Chuyện mới vừa xảy ra ở Syria thật ra không hề mới bởi đã từng xảy ra như thế năm 2013 và năm ngoái. Mỹ, Pháp, Anh và có thể thêm một vài đồng minh khác nữa của họ, cũng chỉ quả quyết là có bằng chứng (như tổng thống Pháp Emmanuel Macron) hoặc tin vào quả quyết của họ (như tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Anh Theresa May hay thủ tướng Đức Angela Merkel) chứ không cần chờ đợi đến sau khi cho tiến hành điều tra và xác minh sự thật, đã hạ quyết tâm tiến hành tấn công quân sự nhằm vào chính phủ Syria.
Chuyện vũ khí hoá học ở xứ này không phải là chuyện mới nhưng nó lại không thể là chuyện cũ nữa bởi cục diện tình hình ở Syria hiện khác trước rất cơ bản và tương tự như thế đối với mối quan hệ giữa Phương Tây và Nga nói chung, giữa Mỹ và Nga nói riêng. Chuyện cũ tái diễn trong cuộc chơi quyền lực và ảnh hưởng mới giữa Phương Tây và Nga thì đương nhiên sẽ có giá trị và tác động hoàn toàn khác trước.
 Cuộc nội chiến Syria đã kéo dài 7 năm là cuộc đấu về chiến lược và sách lược, về chính trị và quân sự.
Năm 2013, Nga đã thuyết phục chính phủ Syria chấp nhận hợp tác với OPCW để tiêu hiyr hoàn toàn kho vũ khí hoá học của mình. Đổi lại, chính phủ Mỹ, khi ấy với tổng thống Mỹ Barack Obama, không tiến hành chiến tranh trực tiếp với chính phủ Syria.
Ông Obama theo đuổi mục tiêu lật đổ thể chế nhà nước hiện tại ở Syria và tổng thống Syria Bashir al-Assad nhưng không bằng cách chiến tranh trực tiếp như người tiền nhiệm đã phát động ở Afghanistan và Iraq mà bằng hậu thuẫn về chính trị, tài chính và quân sự cho những lực lượng ở Syria nổi dậy chống đối ông Assad. Nếu không có sự can dự quân sự trực tiếp của Nga từ năm 2015 trở lại đây vào Syria thì chắc ông Obama đã thành công với chiến lược này.
Năm ngoái, ông Trump tiến hành một trận không kích từ xa vào một sân bay quân sự của quân đội chính phủ Syria. Khi ấy, ông Trump chưa có quyết sách riêng gì về Syria bởi mới lên cầm quyền được chưa đầy 3 tháng. Nhưng vào thời điểm ấy, Nga đã làm xoay chuyển được cục diện chiến sự ở Syria và giúp chính thể của ông Assad trụ vững. Chiến lược của ông Obama đối với Syria bị phá sản. Ông Trump từ bỏ mục tiêu "thay đổi chế độ" ở Syria và vừa rồi còn tuyên bố sẽ sớm rút hết quân Mỹ - hiện theo Bộ Quốc phòng Mỹ có khoảng 2000 người - ra khỏi Syria. Nga và đồng minh đã hoàn toàn thắng thế ở Syria.
Khi ấy, mối quan hệ của Mỹ và nhiều đồng minh với Nga vẫn rất căng thẳng và trắc trở, vì Crimea, Ucraine và cả vì Syria, giữa Nato và EU với Nga cũng thế. Bây giờ, mức độ căng thẳng và trắc trở, đối địch và mất lòng tin lẫn nhau còn tăng lên thêm rất nhiều. Bởi vậy, chuyện chất độc hoá học lần này ở Syria rất khó có thể lại được giải quyết như hồi năm 2013 hay chỉ đơn giản với một cuộc không kích của Mỹ như năm ngoái. Nó phức tạp và nan giải, nhạy cảm và diễn biến rất khó lường vì cộng hưởng tất cả những bất hoà và thù địch giữa hai bên và bộc phát như cốc nước bị tràn bởi giọt nước gây tràn là chuyện chất độc hoá học mới ở Syria.
Ở Syria bây giờ, chuyện chính không phải là chuyện giữa chính phủ Syria và các nước như Mỹ, Pháp hay Anh hoặc đồng minh của họ mà là cuộc đấu về chiến lược và sách lược, về chính trị và quân sự, về ảnh hưởng và vai trò giữa các nước Phương Tây và Nga, sau đó là Mỹ và đồng minh với Iran. Diễn biến tình hình quyết liệt và tính chất của nó nguy hiểm vì thế. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Nhưng cũng chính vì thực chất ở đây là cuộc chơi mới kia giữa hai bên, tức là vượt xa khuôn khổ của chuyện chất độc hoá học ở Syria, nên cơ hội và triển vọng cho giải pháp chính trị không phải không có. Tất cả các bên liên quan đều có những giới hạn riêng về thế và lực trong cuộc chơi này.
(*) Ông Trần Đức Mậu là Đại sứ Việt Nam tại Đức nhiệm kỳ 2006-2008.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần