Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Syria là nội dung trọng tâm Hội nghị Thượng đỉnh G20

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kịch bản tấn công cảnh cáo chính quyền Syria vì đã “vượt giới hạn đỏ” trong ba ngày của Mỹ đã không diễn ra như dự kiến, nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm thuyết phục Quốc hội ủng hộ hành động quân sự chống Syria cũng không thành công như ông mong đợi.

Những yếu tố này khiến nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (5 - 6/9) tại Nga trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

 

Nội dung chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nga vốn được cho là sẽ xoay quanh nội dung chủ yếu về cải cách hệ thống tài chính, giúp giảm áp lực nợ công lên các quốc gia phát triển và giàu có bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, quyết định bất ngờ trì hoãn cuộc tấn công phủ đầu Syria của ông Obama đã khiến vấn đề này trở thành nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại St Petersburg vào ngày 5 - 6/9 này. Đây cũng được coi là cơ hội cuối cùng để Mỹ kêu gọi thêm sự ủng hộ tấn công quân sự Syria từ các cường quốc lớn.

 
Tổng thống Mỹ B.Obama liệu có tìm thêm được đồng minh tham gia chiến dịch tấn công can thiệp vào Syria?	Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ B.Obama liệu có tìm thêm được đồng minh tham gia chiến dịch tấn công can thiệp vào Syria? Ảnh: Reuters
 

Ngày 3/9, Tổng thống Obama đã lên đường đi Thụy Điển - một điểm dừng chân được bổ sung sau khi Nhà Trắng quyết định hủy cuộc gặp giữa ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin để phản đối “cách ứng xử” của Moscow đối với người lộ mật Edward Snowden. Mối quan hệ chứa đựng nhiều nghi kỵ giữa Nga – Mỹ vẫn chưa thể nồng ấm sau nhiều nỗ lực “phá băng” của lãnh đạo hai nước, nên không nhiều người hy vọng nút thắt liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria có thể được tháo gỡ tại các cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị G20 lần này. Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, Moscow đã có những bước chuyển quan trọng trong cách tiếp cận vấn đề Syria nhưng đến nay, Nga vẫn là quốc gia bảo trợ chính cho chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad. Không những thế, ông Putin còn thẳng thừng tuyên bố, cáo buộc về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của Mỹ là “hành động khiêu khích” để lôi kéo các nước khác vào cuộc xung đột tại đây.

 

Một mặt vừa thực hiện chuyến công du vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, một mặt, ông Obama còn cử Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức trong nhóm phụ trách những vấn đề an ninh quốc gia tiếp tục tiến hành các biện pháp vận động hành lang khi Tổng thống đi vắng. Cùng lúc, Lầu Năm Góc tiếp tục điều tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio tới vùng biển Đông Địa Trung Hải. Việc số lượng tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Syria được nâng lên con số 5 cho thấy, khả năng ông Obama phát lệnh kích hoạt tên lửa hành trình nhằm vào quốc gia Trung Đông này là rất lớn. Chỉ có điều thời gian bắt đầu, kết thúc của cuộc chiến nhằm cảnh cáo Damascus sẽ kéo dài trong bao lâu và những nước nào sẽ tham gia vào thành phần lực lượng của phương Tây hay Syria vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.