Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Syria và cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa có hồi kết

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Aleppo, Syria đang ngày càng chìm sâu khủng hoảng nhân đạo khi bạo lực bùng phát sau các cuộc tấn công giằng co giữa lực lượng quân đội chính phủ và phiến quân.

Syria đang “đổ máu”
Người dân ở Aleppo đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ tại New York (Mỹ), người đứng đầu Văn phòng Điều phối Viện trợ nhân đạo của LHQ (OCHA) Stephen O'Brien, báo động Aleppo đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo "chưa từng có từ trước tới nay". Theo thống kê sơ bộ, hơn 100.000 trẻ em đang bị mắt kẹt tại khu vực phía Đông thành phố.
 TP Aleppo trở thành đống đổ nát.
Từ cuối tuần trước, quân đội chính phủ đã tiến hành một chiến dịch tấn công tổng lực nhắm vào miền Đông Aleppo - nơi phe đối lập đang kiểm soát nhằm tái chiếm thành phố trong vòng một tuần. Nhiều người dân sống tại khu vực này cho biết, cường độ “dội bom” của các bên là lớn nhất từ trước đến nay. Các xe cứu trợ bị tấn công, khiến nguồn cung lương thực cạn kiệt. Bên cạnh đó, một trạm bơm đã bị hư hỏng vì không kích, khiến 1,75 triệu người lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Các giải pháp “lâm vào ngõ cụt”
Trong khi đó, giới chức Mỹ đang xem xét “kế hoạch B”, sau khi “kế hoạch A” - nỗ lực theo đuổi một lệnh ngừng bắn thất bại. Phát biểu họp báo tại Washington D.C, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận nỗ lực giữa Nga và Mỹ kéo dài nhiều tháng qua nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria đã "lâm vào ngõ cụt," nhất là trong bối cảnh tình hình tại thành phố Aleppo của Syria ngày một leo thang nghiêm trọng. Theo ông, đây là thời điểm mà Mỹ cần phải tìm kiếm và theo đuổi các phương án thay thế khác. Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho hay Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan đề xuất các giải pháp thay thế trong vài ngày tới. Thực chất, "phương án B" mà Washington nhắc tới, theo một số nguồn tin quan chức Mỹ, là việc cân nhắc đến cả phương án can thiệp quân sự, làm dấy lên lo ngại đẩy tình hình chiến sự tại Syria tiếp tục leo thang.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc Washington từ chối hợp tác với nước này trong quá trình ổn định tình hình Syria sẽ là "tin mừng" đối với các nhóm khủng bố ở Syria.

Số phận của người dân Syria tiếp tục là "nước cờ" để các bên liên quan tính toán nhằm đạt được mục tiêu. Việc lệnh ngừng bắn hết lần này đến lần khác bị phá vỡ cho thấy, các bên liên quan vẫn chưa thực hiện xong các cuộc “mặc cả” hay dàn xếp lợi ích để đạt được một thỏa thuận hòa bình Syria. Nhiều nhà bình luận dự đoán, các diễn biến trên thực địa và trên bàn nghị sự quốc tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tại Syria khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hơn 6 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư vẫn chưa thể dừng lại sau hơn 5 năm nổ ra.