[Tấc đất, tấc vàng không thể để hoang] Bài cuối: Để đất hoang là có lỗi với nền kinh tế

Trọng Tùng - Nguyễn Nga thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Để hoang đất canh tác lúa thì an ninh lương thực sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng ngay cả khi không nói tới vấn đề cấp thiết trên, thì đây cũng là việc làm có lỗi với nền kinh tế, bởi mỗi tấc đất, nhất là tại Hà Nội, giống như một tấc vàng” – GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Đất canh tác nông nghiệp bị bỏ hoang do thường xuyên bị ngập úng tại xã Bình Phú (huyện Thạch Thất). Ảnh: Phương Nga
Không chỉ là vấn đề an ninh lương thực
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, TP trên cả nước, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hiện đang diễn ra khá phổ biến. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Thực tế, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, trong đó có khu vực ngoại thành Hà Nội. Lý do bởi đây là những khu vực đang trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh. Nhiều tỉnh thuần nông trước đây như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đang chuyển hướng, coi trọng phát triển công nghiệp là chủ yếu. Lao động trẻ chuyển sang ngành nghề phi nông nghiệp nhiều. Người làm nông chỉ ở mức độ cầm chừng.
Ngay cả khi không sử dụng, nhiều nông dân vẫn quyết định bỏ hoang thay vì cho người khác thuê. Sở dĩ vậy là bởi người nông dân luôn coi đất nông nghiệp là chỗ lùi cuối cùng, với suy nghĩ đất đó vẫn là tài sản của mình, để đến khi thất cơ lỡ vận thì còn có chỗ lui về.
Theo ông, nếu tình trạng đất bỏ hoang còn tiếp diễn thì hệ lụy sẽ ra sao?
- Câu chuyện an ninh lương thực chỉ là một trong nhiều hệ lụy của tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Chúng ta vẫn còn có Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của cả nước, có thể sản xuất và bảo đảm đủ lương thực cho gần 100 triệu dân. Thế nhưng, nếu chúng ta không bảo đảm đất lúa của từng vùng thì chắc chắn câu chuyện an ninh lương thực sẽ có vấn đề. Nhưng ngay cả khi không đề cập tới khía cạnh an ninh lương thực thì việc lãng phí nguồn tư liệu sản xuất quan trọng này cũng là việc làm có lỗi với nền kinh tế. 
Việc bỏ hoang hóa nhiều diện tích đất nông nghiệp hiện nay, theo ông, vai trò trách nhiệm thuộc về ai?
- Tôi cho lỗi trước hết là ở pháp luật. Thực tế để quản lý đất lúa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó có quy định: Đất sản xuất nông nghiệp sau 12 tháng không sử dụng thì Nhà nước có quyền thu hồi. Tuy nhiên, từ khi có chế tài đến nay, thực tế chưa thu hồi được của ai. Sở dĩ vậy là bởi khái niệm đất hoang hóa chưa được định nghĩa rõ. Nhiều nông dân để hoang đất, cỏ dại mọc um tùm nhưng khi được hỏi thì họ nói rằng trồng cỏ để… chăn nuôi gia súc (?!) Điều này cho thấy quy định đã ban hành tưởng chừng rất quyết liệt nhưng lại không phù hợp với thực tiễn.
Thực tế hiện nay, nhiều DN muốn bắt tay vào sản xuất nông nghiệp nhưng tìm không ra đất, thưa ông?
- Đúng vậy. Hiện, DN thuê đất mới là thí điểm, chứ Luật Đất đai chưa có quy định. Thời hạn thuê ngắn khiến nhiều DN không mạnh dạn đầu tư dài hạn. Thay vào đó, họ đành đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, đứt quãng. Được 5 năm thì đầu tư theo kiểu bề nổi, không có chiều sâu. Đây cũng là một hạn chế rất lớn, bởi đầu tư cho nông nghiệp cần thời gian thu hồi vốn dài. Ví như DN bỏ vốn vào những khu vực thiếu hệ thống thủy lợi, điều kiện canh tác khó khăn, họ phải đầu tư hạ tầng, điện, nước. Nếu chỉ được giao đất trong 5 năm thì không DN nào bỏ tiền ra đầu tư. 
Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa
 GS Đặng Hùng Võ
Theo ông, đâu là giải pháp tối ưu dể có thể giảm dần diện tích bị bỏ hoang và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp hiện nay?
- Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới và thấy họ có những mô hình tích tụ đất đai khá hiệu quả. Tại Hàn Quốc, Chính phủ có cơ chế mở các sàn giao dịch đất nông nghiệp. Sàn đứng ra thu hút ruộng đất của nông dân, sau đó cho DN thuê lại. Khi tham gia vào sàn giao dịch này, người dân vừa có lợi ích, lại có thể hoàn toàn yên tâm về quyền sở hữu. Trong khi đó, các DN cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đất nông nghiệp. Hoặc tại Nhật Bản, Chính phủ tổ chức ra các ngân hàng đất nông nghiệp. Người dân thừa đất, không dùng đến, thì có thể gửi vào ngân hàng. Ngân hàng gom đất và giới thiệu với các DN. Người nông dân gửi đất vào ngân hàng được lĩnh tiền lãi hàng tháng và cũng không lo sợ bị mất đất. Giải pháp này có thể khắc phục rất tốt tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp bằng cơ chế mềm dẻo, thị trường và người dân tin cậy được.
Thực tế tại Việt Nam cũng có một mô hình tích tụ ruộng đất khá hiệu quả ở Hà Nam. Cụ thể, chính quyền đứng ra thuê đất của người dân, sau đó cho DN thuê lại. Quan điểm của tôi là cái gì của thị trường thì để thị trường gánh nhưng có sự can thiệp. Quan trọng là chính quyền không “chấm mút” vào việc đó. 
Vậy theo ông, những giải pháp đó có phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội hiện nay?
- Tôi cho rằng, trước mắt Hà Nội cần có chủ trương để khuyến khích các quận, huyện thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất giống Hà Nam đang làm hoặc mạnh dạn áp dụng ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản nông nghiệp giống Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, Hà Nội cũng không nên bê nguyên mô hình từ các nước để áp dụng. Bởi điều kiện thực tế ở mỗi vùng miền là khác nhau. Vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên việc tích tụ cánh đồng mẫu lớn không hề đơn giản. Chính vì vậy, giải pháp tối ưu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trong đó ưu tiên mô hình quy mô nhỏ ứng dụng công nghệ cao. Lấy ví dụ như tại Lâm Đồng, dù diện tích canh tác nông nghiệp rất ít nhưng họ đã ứng dụng công nghệ cao trong hàng chục năm qua. Họ làm công nghệ cao nên hiệu quả trên diện tích canh tác rất tốt, sản phẩm đạt điều kiện xuất khẩu. Tôi cho rằng nông nghiệp công nghệ cao sẽ là lời giải cho Hà Nội nhằm sử dụng hiệu quả những diện tích đất nông nghiệp hiện có, đặc biệt là trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay. 
Xin cảm ơn ông!
Từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng trở vào, câu chuyện đất nông nghiệp rất khác. Diện tích đất nông nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ không nhiều và phần lớn cũng đã được người dân nơi đây bố trí thành vườn cây ăn quả. Định hướng phát triển phi nông nghiệp của hai vùng này cũng rõ nét hơn. Cụ thể, Đông Nam Bộ là thủ phủ của công nghiệp, còn Nam Trung Bộ thì phát triển mạnh du lịch.
GS Đặng Hùng Võ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần