Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tắc đầu ra, ngân hàng tăng đầu tư vào trái phiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những khó khăn của nền kinh tế, của không ít doanh nghiệp (DN) nên tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng (NH) tính đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Thừa vốn nhưng không muốn mạo hiểm cho vay, nhiều ngân hàng đã chọn cách tăng cường mua trái phiếu Chính phủ (TPCP). 

Lãi ít nhưng an toàn

Cũng giống như năm trước, 2 tháng đầu năm nay, các NH tiếp tục nắm giữ lượng lớn TPCP. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong 2 tháng, tổng cộng hơn 35.000 tỷ đồng TPCP (trong tổng số 100.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư năm 2014) đã được huy động thành công. Khối NH chiếm hơn 80% lượng TPCP trúng thầu, hầu hết các NH lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Maritime Bank, VIB... đều tham gia đầu tư trái phiếu. 

Theo nguyên tắc, NH đầu tư vào TPCP bởi 3 yếu tố chính. Thứ nhất, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đầu tư vào một số lượng tài sản có tính thanh khoản cao, trong đó có TPCP. Thứ hai, đây là hình thức để NH phân tán rủi ro, không đầu tư quá nhiều vào một lĩnh vực. Thứ ba, theo quy luật kinh doanh, người có tiền nhàn rỗi có quyền đầu tư vào bất cứ đâu, và TPCP cũng là một kênh.
 
Các ngân hàng trông chờ nhiều vào thu nhập từ đầu tư trái phiếu khi khó tăng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Hợp tác (Co-opBank) tại Hà Nội.      Ảnh: Trần Việt
Các ngân hàng trông chờ nhiều vào thu nhập từ đầu tư trái phiếu khi khó tăng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Hợp tác (Co-opBank) tại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
 
Trên thực tế, dù lãi suất TPCP hiện nay đã thấp hơn nhiều so với trước đây và có kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm, song vẫn đắt hàng. Qua theo dõi, đa số kỳ hạn trúng vào 3 năm, với mức lãi suất 7 - 8%/năm. Theo một giám đốc khối nguồn vốn của một NHTM lớn, trong bối cảnh có không ít trở ngại và ràng buộc, số lượng DN có nhu cầu vốn với mặt bằng lãi suất hiện nay giảm đáng kể, nhiều NH đã chọn giải pháp chấp nhận đầu tư vào TPCP với lợi suất thấp hơn nhiều nhưng an toàn hơn, một mặt giúp cải thiện nguồn thu nhập lãi, một mặt giúp cân bằng chi phí vốn. Chưa kể, việc kiếm tiền trên thị trường liên NH không còn dễ, bởi thị trường này chỉ còn lại một số NH lớn chơi với nhau và cho vay liên NH giờ cũng phải tính vào tín dụng, phải trích lập dự phòng… "Vốn đã huy động không thể nằm im trong NH. Và đương nhiên, lãi ít mà an toàn còn hơn không lãi hoặc rủi ro, nên TPCP là một lựa chọn tốt trong thời điểm này", vị giám đốc này chia sẻ. 

Ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh

Xu hướng đắt hàng của TPCP thời gian tới sẽ còn được hỗ trợ thêm bởi nguồn cung gia tăng khi Chính phủ cần vốn để xử lý nợ xấu của hệ thống NH thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều quy định nhằm siết chặt việc đầu tư của các NHTM vào vàng, ngoại tệ, bất động sản...

Ít nhất trong nửa đầu 2014, các NH đều dự báo lãi suất sẽ đứng hoặc đi xuống chứ không thể tăng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp, TPCP khi ấy giúp NH đảm bảo tuân thủ tỷ lệ chi trả ngắn hạn, vừa có khả năng sinh lời và trong trường hợp lãi suất hạ, giá tài sản này sẽ tăng. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các NHTM hăm hở đổ vốn vào TPCP sẽ không có lợi cho nền kinh tế, vì dòng vốn không chảy vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là của khối tư nhân. Thực tế, theo số liệu từ NHNN, tính đến 20/2/2014, tín dụng của nền kinh tế giảm 1,66%, trong đó tín dụng VND giảm tới 1,94%.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét, khi Chính phủ tạo ra một kênh thanh khoản an toàn với lãi suất khá cao cho NHTM, các NH này sẽ thiếu động cơ, thiếu sự thúc bách phải cho vay khu vực tư nhân khi nguồn vốn dồi dào. Mặt khác, TPCP đang chèn lấn TPDN, đặc biệt là TP của các ngân hàng. Khi nguồn cung TPCP trên thị trường bị thu hẹp, các NH sẽ có xu hướng tìm đến các kênh đầu tư khác, chẳng hạn cấp vốn cho các dự án đầu tư có chất lượng của DN. Trong khi đó, hiệu quả và tính minh bạch của các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Cũng theo ông Hải, việc giảm huy động TPCP cần được xem xét cùng lúc với cách sử dụng nguồn tiền vay này. Theo đó, nên xem xét lại việc đầu tư công, đầu tư vào các dự án không hiệu quả và giảm bộ máy hành chính.

 
Chỉ số trái phiếu sẽ ra mắt vào quý II

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, bộ dữ liệu chỉ số trái phiếu Kho bạc đang được chạy thử nghiệm, dự kiến sẽ hoàn thành và ra mắt vào quý II/2014. Bên cạnh đó, HNX cũng nghiên cứu các sản phẩm phái sinh trên thị trường trái phiếu, dự kiến sẽ được hoàn thiện và ra mắt vào năm 2015.