Nước Anh không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam nên tác động ngắn hạn sẽ chưa lớn nhưng trung và dài hạn cần để ý. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này. Các bên đều thua Tại Anh đang diễn ra một cuộc vận động lấy chữ ký lên tới trên 3 triệu người kiến nghị Quốc hội Anh mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên của Anh ở EU. Liệu phương án Anh rời EU có bị “đảo ngược tình thế” không, thưa ông? - Theo phân tích của các chuyên gia, phương án Anh rời EU là một kịch bản chắc chắn sẽ xảy ra và không thể xoay chuyển được. Thực tế, hiện, hơn 3 triệu người dân Anh đang yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sau cuộc trưng cầu hôm 23/6. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết, trong số này, có hàng triệu đăng ký đề nghị “ảo”. Thủ tướng Anh cũng đã nói, việc trưng cầu lần thứ hai là chuyện không thể xảy ra. Vậy, tại sao người Anh và Chính phủ Anh lại chọn phương án rời khỏi EU trong khi để gia nhập tổ chức này, Anh đã phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc? - Việc Anh tham gia vào cộng đồng kinh tế chung châu Âu từ trước vốn đã có nhiều trục trặc. Có thời điểm, cộng đồng kinh tế châu Âu (ECC trước đây) đã từ chối Anh. Về sau, Anh cũng tham gia được vào EU. Nước Anh có nền văn hóa, chính trị và phong cách sống khác với những nước châu Âu còn lại. Ở châu Âu, có 3 nền kinh tế lớn là Đức, Pháp và Anh với đặc trưng khác nhau. Kể từ khi Anh gia nhập khối này, nhiều người dân Anh có luồng tư tưởng là Anh không thuộc về châu Âu và bất đồng với tư cách thành viên của EU. Diễn giải thế để hiểu, mối quan hệ giữa người dân Anh và EU vốn đã không “thuận buồm xuôi gió” từ trong quá khứ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân Anh “hờ hững” với EU. Quan trọng hơn cả là Anh phải bỏ ra một chi phí khá lớn khi vào EU, trong khi lợi ích họ nhận lại có thể không tương xứng. Người Anh tham gia vào EU, họ mất quyền tự quyết, mất sự độc lập của nước Anh trong quá trình phát triển. Vấn đề nợ công của châu Âu, nhập cư cũng là gánh nặng lớn của nước Anh. Vì thế, dễ hiểu vì sao hơn 52% người Anh đã chọn phương án rời bỏ EU. Sau Brexit, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta phải liên kết? Chủ nghĩa quốc gia đang trở lại ở cả Anh và Mỹ. Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đang có ý định trưng cầu dân ý để tách khỏi liên minh châu Âu. Hiệu ứng Brexit ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới nói chung, thưa ông? - Theo tôi, việc Anh rời EU là một tin buồn với các nền kinh tế. Phản ứng tiêu cực sẽ nhiều hơn là tích cực. Thiệt hại sẽ xảy ra với cả hai bên và thiệt hại là rất lớn. Không chỉ EU thua mà cả thế giới cùng thua. Trước hết, GDP sẽ giảm rất nhiều, nền kinh tế của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì châu Âu hiện tại nền kinh tế có nhiều vấn đề, nay lại thiếu nước Anh thì càng khó khăn hơn. Với riêng nước Anh, khi Anh ra khỏi EU, vị trí của London có thể bị thay đổi do không còn những ưu đãi, hàng hoá không thể dịch chuyển tự do giữa các quốc gia trong khối. Các lợi ích kinh tế khi còn là thành viên của EU sẽ bị lấy đi. Để bù đắp lại, Anh sẽ phải dựng lên các rào cản trong xuất nhập khẩu và các thỏa thuận song phương. Điểm tích cực là Anh không có nhiều ràng buộc với EU nên Anh sẽ dễ dàng hành động để lấy lại chủ quyền của mình, nhẹ gánh hơn với nợ công và nhập cư, theo đó, nguy cơ khủng bố sẽ giảm. Cần cẩn trọng trong dài hạn Anh không phải là đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam. Theo ông, ảnh hưởng của Brexit đến nền kinh tế Việt Nam có lớn không,? - Do không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam, nên tác động Brexit sẽ không lớn và các bất lợi đó có thể được bù đắp bởi các đàm phán song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, theo tôi trong trung và dài hạn, khi kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực thì xuất khẩu của Việt Nam khó mà tích cực được. Nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, các rào cản sẽ được Anh đặt ra để bảo vệ, vì thế xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Về đầu tư, Việt Nam không thể thu hút được dòng vốn từ các quốc gia khác. Khi khủng hoảng xảy ra, nhà đầu tư sẽ có xu hướng trở về với thị trường truyền thống, thay vì đi tìm thị trường có thể rủi ro hơn. Vậy, Việt Nam phải ứng phó thế nào với Brexit? - Như tôi đã nói ở trên, việc Anh rời EU sẽ khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm. Tuy nhiên, thuận lợi là các đàm phán thương mại song phương giữa hai nước sẽ tạo ra những thuận lợi mới cho Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần tăng cường đàm phán các hiệp định này. Về xuất nhập khẩu và đầu tư, Việt Nam cần tìm thêm thị trường mới để giảm sự đi xuống của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư từ Anh và EU. Theo dõi sát hơn diễn biến của đồng Nhân dân tệ Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành như thế nào để hạn chế tối đa sự biến động của thị trường ngoại hối đến nền kinh tế sau sự kiện Brexit? - Sau Brexit, giá trị đồng bảng Anh và đồng Euro đang mất giá. Trong mối tương quan đó, VND sẽ tăng giá, kéo theo giá hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng, tính cạnh tranh giảm. Bởi vậy, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng tỷ giá trung tâm nhưng về tổng quan, tỷ giá tăng, thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Tiếp theo, cần theo dõi sát hơn diễn biến của đồng Nhân dân tệ. Đến nay, đồng tiền này đã mất giá trên 1%. Nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh hơn để hỗ trợ xuất khẩu của họ vào châu Âu sẽ tác động khá mạnh đến hàng hóa của Việt Nam. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có thể tăng giá. Với thị trường nhập khẩu lớn nhất như Trung Quốc, nếu tỷ giá không điều chỉnh kịp thời sẽ gây ra những bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu tình trạng nhập siêu kéo dài, sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, tác động đến tỷ giá giữa tiền đồng và các đồng tiền khác. Bởi vậy, NHNN cần có những điều chỉnh kịp thời để ổn định tỷ giá. Thị trường chứng khoán Việt Nam thì sao, thưa ông? - Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang vững và có phiên tăng điểm trở lại trong một vài phiên. Tuy nhiên, thị trường này ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý và dòng vốn ngoại. Khi dòng vốn ngoại có biến động từ sự kiện Brexit, thị trường chứng khoán của Việt Nam ắt sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, cần có giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư và hạn chế việc ra đi của các dòng vốn ngoại. Xin cảm ơn ông!