KTĐT - Dạo qua một số quán game trên đường Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa), Nguyễn Khang (phường Yên Hòa), đường Chiến Thắng (Hà Đông)... không khí sau 24h vẫn cực kỳ sôi động.
>>> Bi hài chuyện "anh hùng" cứu net
>>> “Net đêm”: Ngoài yên, trong loạn
Những vụ án đau lòng do ảnh hưởng của internet “đen” và game bạo lực… vẫn ngày càng gia tăng gây nhức nhối trong xã hội.
Theo sự phân cấp quản lý game online, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ xét duyệt hồ sơ, cơ cấu hạ tầng kỹ thuật... và cấp giấy phép phát hành game sau khi đã có sự thẩm định nội dung trò chơi của Bộ Văn hóa Thông tin.
Thông tư 02 cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi phát hành game, các đại lý internet, các nhà cung cấp dịch vụ truy cập internet (ISP)... phải có tuyên truyền khuyến cáo người chơi về các tác động tiêu cực có thể xảy ra khi tham gia trò chơi trực tuyến; phải có giải pháp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người chơi về chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh, cước phí... Tuy nhiên, nhiều chủ quán net bật mí: “Cảnh báo những tác động tiêu cực cho người sử dụng internet khác gì tự đá đổ nồi cơm của chính mình”.
Hiệu lực kém
Dạo qua một số quán game trên đường Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa), Nguyễn Khang (phường Yên Hòa), đường Chiến Thắng (Hà Đông)... không khí sau 24h vẫn cực kỳ sôi động. Đa phần đối tượng chơi game ở đây là sinh viên, nhiều game thủ đã chơi từ sáng sớm. Quy định sau 12 giờ đêm các quán net phải đóng cửa của các cơ quan chức năng bị phớt lờ. Một số quán vẫn mở tung cửa, một số quán đóng cửa nhưng bên trong vẫn có hàng chục game thủ đang say sưa “chiến đấu” với âm thanh được vặn nhỏ.
Số khác đang vùi đầu vào các trang web có nội dung khiêu dâm. Qua quan sát, rất nhiều học sinh PTCS có mặt tại những quán net này. Nhiều em vẫn còn mặc đồng phục học sinh. Khi được hỏi, các chủ quán đều né tránh câu trả lời các câu hỏi của PV. Một cậu bảo vệ nói: “Nếu thực hiện đúng qui định, mỗi lần chơi game không quá 3 giờ, đóng cửa quán trước 12h đêm, yêu cầu xuất trình Giấy chứng minh nhân dân để rà soát độ tuổi thì chỉ còn cách… đóng cửa quán, sập tiệm”.
Không khí trong các quán net đêm ngập ngụa khói thuốc, mùi mồ hôi, tiếng chửi bới thô tục. Trên ghế, một học sinh ngửa đầu ngủ, cậu bên cạnh giải thích: “Nó để chế độ “chiến” tự động đấy. Có lần nó chơi 4 – 5 ngày thông tầm”. Tuy đồng hồ đã chỉ gần 1h sáng nhưng tại một số quán vẫn không ít game thủ là nữ, có cô bé chỉ mặc độc chiếc áo hai dây mỏng dính, không cần nội y. Thỉnh thoảng có cô cười rú lên, nghe điện thoại, hẹn hò rồi biến vào bóng đêm...
Một số nhà quản lý cho rằng, việc áp dụng Thông tư 60 của Chính phủ đang gặp một số khó khăn như: Các chủ quán net đều thanh minh mình không thể kiểm soát độ tuổi của khách hàng (dưới 14 tuổi) vì từ 15 tuổi trở lên công dân mới được làm chứng minh nhân dân; nhiều quán bị xử phạt vì mở cửa quá giờ vẫn tái phạm vì chế tài phạt chưa đủ nặng. Riêng chuyện mỗi game thủ không được chơi quá 3 giờ là điều không tưởng vì không ai chứng minh được game thủ đã chơi quá 3 giờ, ngoài chủ quán... Ngay chuyện cấm các quán net cho phép người chơi truy cập các trang web đen cũng không thể thực hiện được vì các chủ quán chỉ quan tâm đến lợi nhuận...
Trách nhiệm... của toàn xã hội !?
Tính đến đầu năm 2009, có 15 doanh nghiệp phát hành 45 trò chơi trực tuyến theo thể loại MMORPG và Casual Game, Webgame (trong đó có 24 game có xuất xứ từ Hàn Quốc, còn lại là từ Trung Quốc). Có một game do VinaGame hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc phát triển. Theo ước tính tổng doanh thu thị trường của dịch vụ game online tại Việt Nam năm 2008 khoảng 80 triệu đô la Mỹ, nộp thuế cho ngân sách Nhà nước khoảng 287 tỷ đồng.
Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng internet cao so với khu vực. Theo thống kê của VNNIC (Trung tâm internet Việt Nam), hiện nay tại Việt Nam có hơn 20 triệu người sử dụng internet (chiếm 24,47% dân số). Trong đó tỷ lệ người sử dụng internet cho nhu cầu giải trí chiếm 20%. Theo dự báo của VINASA thì con số này sẽ tăng đến 40% trong năm 2010. Các nhận định trên chứng tỏ rằng thị trường game online Việt Nam đang và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nguyễn Văn Tú đã giết người vì… game
Tuy nhiên, những hệ lụy của internet đen và game online cũng khôn lường. Nhiều gia đình tan nát, nhiều người phải lĩnh án, nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra, gây tổn thất nghiêm trọng cho xã hội. Hàng trăm vụ án hàng năm (nhiều vụ giết người, cướp của) có nguyên nhân bắt nguồn từ internet: Phạm tội do thiếu tiền chơi game; do ảnh hưởng bạo lực từ game... Không chỉ trẻ em mê game rồi phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật mà ngay người lớn, trí thức, sinh viên cũng phạm tội.
Điển hình như các vụ án: Ngày 12/10/2008, Nguyễn Văn Tú (14 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội) giết chị Hiền (hàng xóm) để trộm cắp tài sản lấy tiền chơi game; ngày 28/10/2008, Ngô Bá Tâm (17 tuổi, Vũng Tàu) đã dùng dao giết mẹ nuôi, lấy xe máy bán để chơi game; do ảnh hưởng của bạo lực từ game, ngày 17/12/2007, Nguyễn Ngọc Tuấn (1991, ở Thượng Đình, Thanh Xuân) đã xuống tay với Hiệp – một game thủ khác, khiến anh này thiệt mạng; Ngày 16/1/2009, do nợ tiền game, tên Khổng Tuấn Linh (21 tuổi, HKTT tại Tuyên Quang), đang trọ ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt cóc em Huyền (SN 1995) để yêu cầu tiền chuộc...
Việc kiểm tra quán net mở quá giờ qui định, cho trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng... Chính quyền cơ sở viện cớ không đủ người kiểm tra, kiểm soát, đá quả bóng trách nhiệm sang “ông” viễn thông. Có người còn nói thẳng, cơ quan nào được lợi, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nói tóm lại, việc internet hoạt động “bát nháo” như hiện nay là... trách nhiệm là của... toàn xã hội(?!)
Gia đình, nhà trường là nòng cốt
Với thực tế đang diễn ra, nhiều người cho rằng, muốn làm lành mạnh lĩnh vực internet và thị trường game cần phải có một chế tài đủ mạnh. Phạt thật nặng những đối tượng vi phạm (cả người kinh doanh và người chơi), phân cấp quản lý thật rõ đối với các cơ quan chức năng mới có căn cứ để xử lý những người buông lỏng trách nhiệm.
Tuy nhiên, lực lượng nòng cốt để ngăn chặn tác hại của các trang web đen và game bạo lực chính là gia đình và nhà trường. Trong khi luật chưa đủ mạnh thì sự quản lý và giáo dục chính là phương thuốc tốt nhất để các em tránh được tác hại từ mặt trái của internet. Gia đình cần phối hợp với nhà trường quản lý chặt thời gian và tiền tiêu của con em mình. Phía nhà trường cũng cần tăng thời lượng những buổi nói chuyện ngoại khóa về những điều được và chưa được của internet... Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa ảnh hưởng xấu từ “thế giới ảo”.