Kinhtedothi - Đã có hàng trăm ngày sống ở trên biển, lênh đênh hơn 12.000 hải lý, (24.000km) đi hết các vùng biển của Việt Nam từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan và là nhà báo đầu tiên sau giải phóng đất nước được nhìn thấy đảo Hoàng Sa, cách đây 5 năm. Vì vậy, khi biết tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Hoàng Sa của nước ta, tôi biết mình nhất định phải có mặt ở điểm nóng này.
Bất chấp mọi khó khăn và dường như cái duyên với biển vẫn còn nên tôi đã có cơ hội thẳng tiến tới Hoàng Sa để thực hiện trách nhiệm của một công dân, một phóng viên khi Tổ quốc cần.
Lao ra điểm nóng
Ngay khi nhận được thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương - 981 tới vùng biển Hoàng Sa hôm 1/5/2014, tôi đã lập tức liên lạc với Phòng Tuyên huấn của Quân chủng Hải quân để đăng ký đi tác nghiệp tại Hoàng Sa. Anh Minh - cán bộ Phòng Tuyên huấn khi nhận đơn đăng ký của tôi đã nói, “đồng chí là nhà báo đầu tiên đăng ký ra biển đấy. Tuy bây giờ chưa có chủ trương đưa phóng viên ra thực địa, nhưng chúng tôi rất hoan nghênh đồng chí đã sẵn sàng sát cánh cùng lực lượng thực thi pháp luật của nước ta. Có thông tin mới, chúng tôi sẽ thông báo cho đồng chí ngay”.
Đến 10 giờ 40 ngày 7/5, anh Minh cho biết, sắp có chuyến đưa phóng viên ra Hoàng Sa tác nghiệp và đề nghị tôi bám sát thông tin, chuẩn bị lên đường. Ngay từ lúc đó, lúc nào tôi cũng trong tư thế sẵn sàng lên đường. Bởi đây là lần thứ 9 đi biển dài ngày nên tôi đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, nhất là mang theo cả máy quay ban đêm để tác nghiệp khi tàu Trung Quốc có thể tấn công lúc đêm tối.
Khoảng 3 giờ 20 phút chiều 11/5, tôi nhận được tin sáng 12/5, tàu sẽ xuất phát sớm nên phải có mặt trước 10 giờ đêm tại Nhà khách Vùng 3 hải quân (TP Đà Nẵng). Tôi cuống cuồng đặt vé máy bay, rồi từ cơ quan lao về nhà xếp đồ, ăn vội bữa cơm vợ nấu và phóng lên sân bay Nội Bài để đáp chuyến bay 20 giờ 10 phút vào Đà Nẵng. Đúng 22 giờ, tôi đã có mặt tại nhà khách Hải quân, Thượng tá Lê Mạnh Hà - cán bộ Phòng Tuyên huấn Quân chủng Hải quân vẫn chờ tôi và cho biết, tàu sẽ rời cảng lúc 3 giờ sáng. Đợt này có 30 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam và Đà Nẵng tình nguyện ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981. Đồng chí Hà cho biết, chuyến đi này sẽ rất vất vả, có thể bám biển cả tháng cùng ngư dân, nếu tôi không chịu được có thể đi chuyến sau cùng tàu cảnh sát biển hoặc kiểm ngư. Không cần suy nghĩ nhiều, tôi quyết định sẽ đi luôn cùng tàu cá với ngư dân. Với kinh nghiệm đi biển của mình, tôi tin chắc mình sẽ vượt qua được chuyến hải trình ra Hoàng Sa kéo dài tới 36 tiếng để có những thông tin chính xác nhất về cuộc đấu tranh bảo vệ ngư trường của bà con và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước.
Đối mặt với tàu Trung Quốc
Sau hải trình kéo dài 2 ngày 1 đêm trên tàu QNa 90747 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Nghiệp (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) điều khiển cùng 29 tàu cá khác chia làm 2 biên đội hùng dũng tiến đến tọa độ 15.20p50s vĩ độ Bắc 111.08p50s kinh độ Đông, cách vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 10 hải lý về hướng Nam. Sự xuất hiện của biên đội tàu cá Việt Nam khiến các tàu quân sự của Trung Quốc đang có mặt trái phép tại khu vực này đều giật mình. Từ khoảng cách 2 hải lý, các tàu hải cảnh, hải tuần được cải hoán từ tàu hộ vệ tên lửa và tàu phóng lôi của Trung Quốc đã dàn hàng ngang hướng mũi về phía tàu cá của ngư dân ta, hú còi inh ỏi và xịt vòi rồng để thị uy.
Sau một đêm bập bềnh trên biển, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng máy bay trinh sát của Trung Quốc bay ở độ cao chỉ 500m với nhiều vòng lượn như hù dọa đoàn tàu cá. Khoảng 2 tiếng sau đó, trên biển đã xuất hiện khoảng hơn 40 chiếc tàu sắt có trọng tải từ 200 - 400 tấn của Trung Quốc, đồng loạt lao vào tàu cá của ngư dân ta với tốc độ rất cao. Nhưng các ngư dân Việt Nam, vốn quen với ngư trường trên vùng biển Hoàng Sa, đã khéo léo điều khiển tàu vòng tránh, né những cú đâm va ác nghiệt của tàu Trung Quốc.
Trong số đó, hung hăng nhất là tàu trọng tải 400 tấn có số hiệu 17075 khi liên tục lao vào biên đội tàu cá của ta để tấn công. Ngay ngày đầu tiên, tàu 17075 đã hung hăng đâm vỡ cabin của tàu cá QNa 91559 do thuyền trưởng Ngô Ri điều khiển. Vừa thoát khỏi cú đâm ác nghiệt của tàu cá Trung Quốc, thuyền trưởng Ngô Ri vẫn bình tĩnh thông báo cho các tàu bạn: "Tàu tôi bị đâm rồi, nhưng anh em cứ bình tĩnh nhé. Tụi tàu cá này không phải ngư dân đâu vì chúng liều lĩnh và manh động lắm".
Những ngày tiếp theo, nhiều tàu Trung Quốc liên tiếp tấn công tàu cá nước ta làm cho tàu QNa 91918 và tàu QNa 9006 bị hư hại nặng. Đến chiều 26/5, sau nhiều lần tấn công bất thành, tàu vỏ sắt Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá DNa 90152 trong biên đội Đà Nẵng. Cú đâm này thể hiện sự vô nhân đạo của các tàu Trung Quốc khi quyết tiêu diệt tàu cá Việt Nam. Tuy một tàu cá bị chìm nhưng hàng trăm ngư dân trên 30 tàu cá Việt Nam không hề run sợ. Ông Nguyễn Đức Bình (57 tuổi), ngư dân đi trên tàu QNa 90747 vẫn bình tĩnh nói: "Mình không việc gì phải sợ, biển nước mình cũng như trong nhà mình thôi. Chúng có hung hăng đến mấy tụi tôi cũng không sợ, vì đây là ngư trường mà cha ông đã bảo vệ và khai thác hàng trăm năm nay".
Sau những ngày bám biển cùng ngư dân, chúng tôi đã chứng kiến và ghi được nhiều hình ảnh tàu cá Trung Quốc khiêu khích, ngang nhiên tấn công tàu cá của ta. Ngay trong buổi đầu tiên chuyển từ tàu của ngư dân lên tàu kiểm ngư KN765 do thuyền trưởng Phạm Thành Trung (SN 1984) chỉ huy, chúng tôi đã bị tàu hải cảnh 37102 của Trung Quốc tung ra cú đớp "chào mừng" vào sau lái, khiến tàu bị gãy toàn bộ lan can tầng 2, cong cửa thoát hiểm. Không chỉ đâm va, tàu Trung Quốc còn phun vòi rồng, làm hỏng máy chính của KN765 cùng nhiều thiết bị liên lạc khác. Đứng trên cabin chỉ huy của tàu KN765, cánh phóng viên chúng tôi vẫn bình tĩnh ghi lại những hình ảnh mà tàu Trung Quốc tấn công để làm bằng chứng tố cáo những tội ác trên biển của phía Trung Quốc.
Những ngày sát cánh cùng ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi đã chứng kiến những thước phim quay chậm về sự hung hãn của các tàu Trung Quốc. Nguy hiểm rình rập, sự khắc nghiệt của thời tiết, sinh hoạt trên biển gặp nhiều khó khăn nhưng không làm chúng tôi hoảng sợ. Ngược lại, càng làm những nhà báo chúng tôi thêm yêu biển đảo của quê hương, thêm yêu Tổ quốc. Và bất cứ lúc nào, tôi cũng sẵn sàng quay lại Hoàng Sa để góp phần nhỏ bé của mình, chung tay cùng ngư dân bám biển, sát cánh cùng lực lượng thực thi pháp luật để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.