Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Hà Đông là 1 trong 5 địa phương có số người mắc bệnh cao của TP. Nguyên nhân do đâu và cách phòng chống thế nào, phóng viên đã trao đổi với bác sỹ Tạ Quang Mậu, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

- PV: Thưa bác sỹ Tạ Quang Mậu, tình hình diễn biến bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Đông hiện nay thế nào? Nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát do đâu?
 
Bác sỹ: Tình hình diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện nay trên địa bàn Hà Đông vẫn diễn biến rất phức tạp. Mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân. Sau khi phân loại bệnh viện điều chuyển những trường hợp nhẹ thì có thể về nhà theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bệnh viện. Bệnh viện chỉ điều trị những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng sốt 3 ngày trở đi. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 100 bệnh nhân nội trú.
Nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều trường hợp mắc bệnh SXH là do muỗi vằn truyền bệnh. Muỗi vằn thường sống xung quanh nơi chúng ta sinh sống và đẻ trứng vào những nơi đọng nước như: Chậu hoa cảnh, vỏ lon bia, vỏ chai, lốp xe các diện tích nước lâu ngày không được dọn dẹp, khu công trình xây dựng có nhiều vũng nước đọng…
Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh. Mặc dù ngành y tế đã triển khai rất nhiều biện pháp tuyên truyền, các biện pháp phòng chống dịch, song vẫn rất cần sự chung tay, quyết liệt hơn của cả cộng đồng trong việc truyền thông, diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành. Mỗi một người, mỗi gia đình cần nêu cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, mọi người trong gia đình.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông mỗi ngày tiếp nhận 20-30 người mắc bệnh sốt xuất huyết.
- PV: Vậy thưa bác sỹ, người dân tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh SXH cho bản thân và gia đình bằng cách nào?
Bác sỹ: Điều chúng tôi khuyến cáo tới người dân là phải tăng cường diệt muỗi bằng hóa chất, không cho muỗi sinh sản bằng cách đổ hết nước trong các vật dụng để xung quanh nhà. Những vật dụng không dùng đến ta nên úp xuống tránh đọng nước. Các chậu hoa cây cảnh nên thả cá để chúng tiêu diệt bọ gậy. Làm công việc này phải thường xuyên, liên tục mới có hiệu quả.
Tích cựu truyền thông nhằm giúp người dân hiểu được cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
- PV: Vậy vòng đời sinh trưởng và phát triển của muỗi là bao lâu, vì sao phải diệt bọ gậy, muỗi thường xuyên, thưa bác sỹ?
Bác sỹ: Muỗi có bốn giai đoạn phát triển rõ ràng trong vòng đời của chúng bao gồm trứng, bọ gậy, lăng quăng và muỗi trưởng thành.

Trứng muỗi đẻ nổi trên mặt nước, trứng nở thành bọ gậy nằm ở dưới nước nhưng lấy không khí trên mặt nước qua ống thở, bọ gậy phát triển thành cung quăng cũng nằm dưới nước và lấy không khí trên mặt nước. Cung quăng lột xác để thành muỗi trưởng thành không ở dưới nước mà thoát lên trên mặt nước. Mỗi chu kỳ muỗi sinh trưởng và phát triển như vậy thường là 1 tuần.
 Đổ nước trong các vật dụng để tránh muỗi sinh sản.
 Thả cá vào chậu cây cảnh để chúng ăn bọ gậy.
Muỗi cái thường chỉ giao phối một lần nhưng có thể đẻ trứng suốt đời theo từng đợt. Để thực hiện được việc đẻ trứng, phần lớn muỗi cái cần phải đốt máu người hoặc động vật. Muỗi đực không đốt máu như muỗi cái, chúng chỉ hút các loại nhựa cây để tự nuôi dưỡng. Sau khi đốt no máu, muỗi cái tìm nơi trú đậu kín đáo, an toàn để tiêu máu và phát triển trứng.
Tích cực dọn vệ sinh, phát quanh bụi rậm để giảm nơi tránh trú của muối.
Sử dụng xong úp các vận dụng chứa nước để tránh muỗi sinh sản.
Ở vùng có khí hậu nhiệt đới, thời gian này cần khoảng từ 2 đến 3 ngày; còn ở vùng có khí hậu ôn hoà thì thời gian này sẽ lâu hơn. Muỗi cái khi đã mang trứng, chúng bay đi tìm các nơi thích hợp để sinh đẻ. Sau đó lại tiếp tục tìm mồi (đốt máu) và đẻ một lứa trứng khác. Chu trình này cứ lặp đi lặp lại cho tới khi muỗi chết.

Như vậy, nếu chúng ta để nước đọng, thì muỗi cứ sinh sản liên tục. Và chúng là tác nhân làm lây truyền bệnh SXH từ người này sang người khác. Chúng hút máu của người bị mắc bệnh SXH rồi lại trích vào người chưa nhiễm làm lây lan vi rút SXH trong cộng đồng.