Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tai biến từ mốt niềng răng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dịch vụ niềng răng, dùng dụng cụ điều chỉnh răng khấp khểnh (gọi chung điều chỉnh nha)… đang được nhiều người sử dụng với mục đích thẩm mỹ để có hàm răng khỏe đẹp, nhất là chị em phụ nữ.

KTĐT - Dịch vụ niềng răng, dùng dụng cụ điều chỉnh răng khấp khểnh (gọi chung điều chỉnh nha)… đang được nhiều người sử dụng với mục đích thẩm mỹ để có hàm răng khỏe đẹp, nhất là chị em phụ nữ.

Các dịch vụ này mặc dù giúp cải thiện đáng kể tình trạng răng mọc không ngay hàng thẳng lối, tuy nhiên nếu thao tác kỹ thuật sai có thể đưa đến những tai biến nguy hiểm.

Đau hàm, chết tủy… do chỉnh nha

Khoa răng bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba từng tiếp nhận nhiều ca tai biến do chỉnh nha sai cách. Gần đây nhất là trường hợp một nữ bệnh nhân ngoài 20 tuổi, ở Bắc Ninh, răng khấp khểnh nên đã đến một cơ sở tư nhân đeo niềng răng (cạp răng). Sau gần một tháng sống chung với dụng cụ niềng, bệnh nhân thấy đau hàm, ăn uống khó khăn, không thoải mái nói chuyện. Cơn đau ngày một tăng nên phải nhập viện kiểm tra. Kết quả phát hiện do niềng răng không đúng kỹ thuật. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm hai hàm xô lệch toàn bộ, răng hàm trên không chạm răng hàm dưới, khiến bệnh nhân không thể nhai kỹ thức ăn, dẫn đến đau dạ dày, hệ tiêu hóa rối loạn.
 
Trường hợp khác, có biểu hiện nặng hơn, là một phụ nữ ở Hà Nội, có hàm răng “mái hiên” từ nhỏ nhưng đến 30 tuổi mới có điều kiện đi chỉnh nha. Để tiết kiệm tiền bạc, bệnh nhân đến một cơ sở tư nhân gần nhà, quảng cáo có kỹ thuật chỉnh nha an toàn. Sau sáu tháng đeo niềng, răng đẹp đâu không thấy, chỉ thấy đau hàm, đau đầu, ăn uống khó khăn, chân răng hở ra. Nghĩ đây là quá trình răng đang chỉnh, sau đó sẽ ổn, nên bệnh nhân cố gắng chịu đựng. Thế nhưng, càng để càng đau nhức. Đến khi không chịu nổi, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám thì tá hoả do đeo niềng không đúng cách đã dẫn đến chết tuỷ, răng lung lay sắp rụng.
 
Giá thành niềng răng phụ thuộc vào việc sử dụng mắc cài loại gì, nếu bằng thép bình thường thì vào khoảng 20 triệu đồng; nếu bằng sứ (nhìn thẩm mỹ hơn) thì vào khoảng 30 triệu đồng; nếu người sử dụng yêu cầu cao hơn không muốn người khác nhìn thấy thì có thể sử dụng mắc cài gắn vào mặt trong với giá khoảng 70 triệu đồng.
 
Giá này thường bao gồm tất cả chi phí cho đến khi hoàn thiện, tháo mắc cài, đeo hàm duy trì và bảo hành sau hai năm.

Niềng răng có nhiều loại, trong đó hai loại chính là chỉnh nha tháo lắp (loại hàm mà bệnh nhân tự tháo ra lắp vào, vật liệu này Việt Nam tự làm được) và chỉnh nha cố định (mắc cài gắn trực tiếp lên răng, vật liệu phải nhập ngoại). Hiện kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất là chỉnh nha cố định, có nghĩa người bệnh được gắn mắc cài (là các hạt bằng kim loại, sứ hoặc nhựa) lên mặt răng và bác sĩ lắp các sợi dây cung thép vào các hạt này để giúp răng di chuyển. Loại mắc cài cố định sẽ giúp di chuyển răng hiệu quả theo ba chiều không gian. Sau khi gắn mắc cài, bệnh nhân cần tái khám mỗi tháng một lần, phải đánh răng cẩn thận để tránh thức ăn bám vào gây sâu răng.
 
Đã có nhiều người quan niệm điều chỉnh nha là việc đơn giản, chỉ cần cho bệnh nhân đeo thiết bị chỉnh nha là xong. Cần nhấn mạnh một điều, đeo niềng nói riêng và điều chỉnh nha nói chung, không phải chuyện đùa. Thực tế cho thấy phương pháp điều trị này rất phức tạp và khó khăn.
 
Người bị điều chỉnh nha không đúng có thể khiến răng bị nghiêng, các răng không khít nhau, làm mất thẩm mỹ và dễ tái phát, ăn uống khó khăn, hay bị mỏi, đau khớp hàm… Nếu người làm không có kinh nghiệm còn có thể khiến bệnh nhân bị lòi chân răng, viêm tuỷ răng, răng lung lay, thời gian điều trị kéo dài.

Không nên niềng răng để khỏe hơn

Kỹ thuật đeo niềng răng không có giới hạn độ tuổi. Ở nước ngoài, bệnh nhân đến 70 tuổi vẫn có thể thực hiện được, còn ở Việt Nam cũng đã có những trường hợp đến 65 tuổi. Sau khi niềng răng, không nên ăn thức ăn cứng, dai, dính vì sẽ làm tuột mắc cài. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và giải phẫu răng cho phép, thì kết quả sau khi niềng xong sẽ ổn định suốt đời.

Không ít người đã ngộ nhận về các kỹ thuật điều chỉnh nha, khi cho rằng kỹ thuật này có thể giúp hàm răng chắc hơn. Mặc dù răng đã ngay hàng thẳng lối rồi thì vẫn muốn thực hiện để răng khoẻ lâu dài hơn. Về nguyên tắc, chỉnh răng sẽ giúp hàm răng đẹp hơn, khuôn mặt đẹp hơn, ăn nhai tốt hơn, cải thiện sức khoẻ toàn thân. Tuy nhiên, nếu răng lệch lạc thì mới nên đeo niềng, nếu đã thẳng rồi và mặt không vẩu thì không cần thiết phải đeo.
 
Bởi, như đã nói, kỹ thuật này cũng có thể gặp nhiều tai biến nếu bác sĩ không có kinh nghiệm, không có tâm với bệnh nhân. Tốt hơn hết, khi muốn chỉnh răng, người bệnh cần tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa có uy tín để nhờ khám và tư vấn hướng điều trị, tránh tự ý đi niềng răng hay làm các dịch vụ điều chỉnh nha khác mà chưa lường hết những nguy cơ.