Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cấu trúc các công ty chứng khoán: Vào hồi quyết liệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) nhằm từng bước giảm số lượng, tăng cường khả năng, hiệu quả giám sát đang vào hồi quyết liệt. Với nhiều quy định bổ sung mới, cuộc "đại phẫu" khối CTCK báo hiệu sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Cuộc chiến để tồn tại

Kể từ thời điểm Ủy ban Chứng khoán (UBCK) phân loại CTCK thành từng nhóm (từ ngày 1/4/2012), đến nay đã có hàng loạt CTCK rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt. Nếu như trước đây, CTCK chỉ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nếu không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính thì nay, theo các quy định tại Thông tư 165 (có hiệu lực từ 1/12/2012), có thêm hai trường hợp thuộc diện kiểm soát đặc biệt là: Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán mà tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến, từ chối đưa ra ý kiến hoặc không thể đưa ra ý kiến…

Tái cấu trúc các công ty chứng khoán: Vào hồi quyết liệt - Ảnh 1
Tái cấu trúc các công ty chứng khoán để nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng kiểm soát rủi ro, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Trong ảnh: Giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB.Ảnh: Việt Linh
Bên cạnh quy định chặt chẽ hơn, Thông tư 165 cũng quy định thời gian kiểm soát đặc biệt còn 4 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây. Trường hợp sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà vẫn không khắc phục được và có lỗ gộp chiếm từ 50% vốn điều lệ trở lên, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tổng số hơn 100 CTCK công bố báo cáo kinh doanh quý III/2012 (một số chưa báo cáo), có tới hơn một nửa báo cáo lỗ. Nhiều đơn vị thua lỗ 4 - 5 năm liên tiếp, rất nhiều CTCK đang ở tình trạng lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ (và khó huy động tăng thêm vốn), thậm chí có nguy cơ mất hết vốn hoặc đang ôm những khoản phải thu lên tới vài ngàn tỷ đồng, trong khi chưa có trích lập dự phòng. Nếu chiếu theo các quy định trên, danh sách các CTCK bị rơi vào kiểm soát đặc biệt sẽ còn dài hơn khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý IV/2012. Nhiều khả năng sẽ có tới hàng chục công ty bị xóa sổ (trong tổng cộng 105 CTCK đã được cấp phép hoạt động) nếu TTCK không có dấu hiệu cải thiện.

Lối thoát nào?

Theo Đề án tái cấu trúc, các CTCK sẽ được nâng cao năng lực tài chính, khả năng kiểm soát rủi ro... Việc tái cơ cấu các CTCK được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo lợi ích hợp pháp khách hàng; Cơ cấu lại thành phần tham gia góp vốn trong CTCK theo hướng hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tái cấu trúc các công ty chứng khoán: Vào hồi quyết liệt - Ảnh 2
Thị phần nhỏ, sự cạnh tranh gay gắt khiến nhiều công ty chứng khoán gặp khó khăn và mất an toàn về tài chính.Trong ảnh: Một phiên giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACB.Ảnh: Việt Linh
"Cửa thoát" đối với các CTCK là sáp nhập hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, ngay ở phương án này, nhiều chuyên gia lại đánh giá không khả thi. Khác với hoạt động tái cấu trúc trong lĩnh vực ngân hàng, việc hợp nhất giữa các CTCK là khó thực hiện. Vì giá trị thực tế của một CTCK chỉ nằm ở giấy phép hoạt động nên việc sáp nhập các CTCK rất khó; Với trường hợp CTCK bán cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài muốn sở hữu, cách này khá ít, bởi lẽ từ tháng 9/2012, Chính phủ đã cho phép thành lập CTCK 100% vốn ngoại. Vì thế, các NĐT ngoại muốn vào thị trường Việt Nam sẽ tự thành lập ra CTCK  hơn là đi mua lại một công ty ít khách hàng và đang kinh doanh không hiệu quả. Có chăng là các NĐT nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam hay các CTCK khác muốn gia tăng thị phần, quy mô… ở chợ chứng khoán qua việc sở hữu cổ phần nữa tại một CTCK khác.

Khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm, bởi theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước, xử lý nghiêm những thực thể yếu kém và xây dựng lại hành lang pháp lý chặt chẽ, khoa học là việc mà TTCK cần làm để lấy lại niềm tin của NĐT. Đây cũng là quy luật của TTCK, quy luật phát triển của các nền kinh tế có TTCK, mà trên thế giới đều đã và đang trải qua. Trước mắt, khó khăn đối với các CTCK sẽ còn nhiều. Nhưng về dài hạn, TTCK Việt Nam sẽ tốt hơn, vì quy mô thị trường vốn của Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ và đơn giản. "Ngoài quy định hiện hành, UBCK đang tiếp tục hoàn chỉnh pháp lý theo hướng tạo thuận lợi cho các CTCK hoạt động, nhưng ngày càng phải thỏa mãn các điều kiện khắt khe hơn về an toàn tài chính, quản trị rủi ro. Điều này sẽ tạo thêm sức ép đào thải các CTCK yếu kém, nên sắp tới số lượng CTCK sẽ giảm" - ông Bằng nói.

Có thể thành lập Sở GDCK Việt NamĐề án "tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm" vừa chính thức được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có đề cập tới việc trong quá trình tái cấu trúc TTCK xem xét, nghiên cứu thành lập Sở GDCK Việt Nam theo 4 nguyên tắc: Thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành; Thống nhất về nền tảng công nghệ; Thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết; Phải phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch, bao gồm một sàn giao dịch cổ phiếu và một sàn giao dịch trái phiếu, chứng khoán phái sinh.