Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sẽ không còn đường lùi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra hồi tháng 2 đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đặt ra.

Áp lực mạnh buộc phải chuyển biến

Phát biểu tại Hội nghị tái cơ cấu DNNN do Đảng bộ Khối DN T.Ư tổ chức sáng 2/4, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, Bộ GTVT mới đây đã có kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt giá trị DN của Tổng Công ty để có thể tiến hành cổ phần hóa (CPH) trong năm nay. Theo ông Minh, thực tế việc sắp xếp đổi mới Vietnam Airlines rất quan trọng do áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mở. Trong khi đó, chủ trương tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sau "năm lần bảy lượt" lỡ hẹn, cuối cùng đã được thông qua với trọng tâm tách MobiFone ra khỏi VNPT. Đại diện VNPT cho biết, CPH sẽ giúp MobiFone cải cách trong quản lý, trong công nghệ… nên hoàn toàn có thể hy vọng vào sự lớn mạnh của MobiFone khi được "ra ở riêng".

Vietnam Airlines đang tiến hành các bước để cổ phần hóa.
Vietnam Airlines đang tiến hành các bước để cổ phần hóa.

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy, trong số 432 DN thuộc diện CPH của 2 năm 2014 - 2015 đã có 146 DN thành lập Ban chỉ đạo CPH; 24 DN công bố giá trị DN, phê duyệt phương án CPH 15 DN; 5 DN tổ chức đại hội cổ đông lần đầu. Nếu tính từ đầu năm tới ngày 20/3, cả nước CPH được 15 DN, bao gồm 11 tổng công ty NN; 2 DN độc lập và 2 bộ phận DN. Riêng Bộ GTVT CPH được 10 tổng công ty NN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: "Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015" đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung chính tập trung vào 3 mục tiêu là tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại DN; tái cơ cấu về tài chính và tái cơ cấu về quản trị DN, lao động. Tái cơ cấu DNNN không phải là để Nhà nước huy động vốn, mà là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN. Qua đó, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. Tương tự, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải chỉ để cắt lỗ, giảm lỗ, mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại cũng như sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn...

Dựa trên những cơ chế, chính sách và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều đang đẩy mạnh việc chỉ đạo các DN thực hiện những bước trong quy trình CPH. Tại Hà Nội, số liệu đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp đổi mới DNNN chiều 2/4 cho thấy, từ năm 2001 đến nay, TP đã tiến hành sắp xếp 340 DN và bộ phận DN, trong đó CPH 183 DN; chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV 56 DN, chuyển sang mô hình công ty mẹ - con 9 DN, còn lại là sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản. TP Hà Nội cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 5 tổng công ty lớn trên địa bàn là: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội...

Đôn đốc đảm bảo tiến độ

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu, các DN còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Phạm Viết Muôn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, thừa nhận: Từ nay đến năm 2015, nếu không vạch ra cụ thể từng công việc thì việc CPH 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015 và tiếp tục thoái vốn tại 472 DN là rất khó. Công tác sắp xếp lại lao động còn nhiều vướng mắc, một số DN như: Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT… có số lao động dôi dư cần sắp xếp hàng ngàn người nhưng chưa giải quyết được nên đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của DN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh:
Tập trung cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao công tác quản trị DNTrước mắt, cần gắn mục tiêu tái cơ cấu DNNN đơn thuần với mục tiêu tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tác động tích cực đến tổng thu nhập nội địa (GDP) và tăng trưởng kinh tế, nhất là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty NN lớn.
Trong khi đó, ông Phạm Công Bình - Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Trưởng Ban thường trực Ban đổi mới sắp xếp DNNN TP Hà Nội cũng băn khoăn với kế hoạch dự kiến năm 2014, UBND TP triển khai sắp xếp 27 DN và bộ phận DN, trong đó CPH 11 DN, 9 bộ phận DN và tiến hành sắp xếp theo các hình thức khác 5 DN, 2 đơn vị sự nghiệp, thực hiện triển khai thoái vốn Nhà nước tại 74 DN có vốn Nhà nước. Ông Bình lấy ví dụ trường hợp của Công ty TNHH MTV Haprosimex sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài (lỗ lũy kế đến nay là 175 tỷ đồng) dẫn đến mất hết nguồn vốn Nhà nước, việc xử lý trong thời gian tới sẽ như thế nào? Hay việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ vào Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng gặp khó khăn do Công ty Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ có các khoản nợ ngân hàng tồn tại từ những năm 2007 trở về trước không có đủ hồ sơ để xử lý với tổng số tiền 52,3 tỷ đồng. Hiện, cơ quan thi hành án đang yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài sản, thậm chí có khả năng bị ngân hàng khấu trừ hết vào phần vốn Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội là địa phương nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt sát sao của Chính phủ, đã đạt được kết quả khả quan trong việc tái cơ cấu DNNN, tuy nhiên do yêu cầu trong giai đoạn mới đòi hỏi phải dồn lực để đạt được mục tiêu đặt ra. Trong lĩnh vực định giá, xử lý liên quan đến giá trị đất đai, chủ động đề xuất phương án để TP tổng hợp báo cáo với T.Ư. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, tinh thần của TP là CPH và sắp xếp DN sẽ vận hành tối đa. Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành... phải thực hiện giao ban hàng tháng, liên tục rà soát và khẩn trương lên kế hoạch chi tiết tiến độ. Quan trọng nữa là bản thân DN cũng phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị DN..., bởi trong điều kiện thị trường chưa hấp dẫn như hiện nay, nếu DN không tự thay đổi thì không thể hấp dẫn các nhà đầu tư.

 
Theo thông tin mới nhất, Công ty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) đang nắm giữ 78,4% cổ phần tại Kem Tràng Tiền. Như vậy nhiều năm sau khi tiến hành CPH (từ năm 2000), đến nay, thương hiệu Kem Tràng Tiền nổi tiếng, ra đời từ năm 1958, đã thuộc về OCH. Theo thông tin đăng ký trên Tổng cục Thuế, người đứng tên đối với Công ty Kem Tràng Tiền là ông Hà Trọng Nam - thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương (OGC).