Đứng giữa ngã ba
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đi kèm là viễn cảnh không mấy sáng sủa của tình hình nợ công, thâm hụt tài khóa..., ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh, năm 2012, dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế đều thống nhất, triển vọng kinh tế thế giới vẫn còn u ám, hiện tại các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn, những lo lắng về thị trường hàng hóa và lạm phát vẫn hiện diện.
Những khó khăn trên sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam. Tại cuộc hội thảo "Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam" ngày 18/10 do Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp tổ chức với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, WB, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) cho rằng, nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam trong giai đoạn từ 2006 - 2010 liên tục tăng. Hiện tại, tỉ lệ nợ công của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Ấn Độ với xấp xỉ 57% trong khi đó ngưỡng nợ công thận trọng theo khuyến nghị của IMF là 40% GDP tại các nền kinh tế mới nổi. TS Thành nhận định, nợ công so với GDP khó giảm trong những năm trước mắt trừ khi tăng trưởng kinh tế hồi phục, đầu tư công cũng như đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được cắt giảm về tỉ trọng so với GDP. Do đó, "việc tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng lên 70% hay cao hơn nữa là hoàn toàn có thể xảy ra".
Thừa nhận những khó khăn Việt Nam đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, đặc biệt từ 2008 đến nay. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách ứng phó nhưng kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, lạm phát cao, nhập siêu, lãi suất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp, tỉ giá chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng…
Những đối sách thích ứng
Nhìn nhận rằng nền kinh tế đang đứng giữa ngã ba đường và thời kỳ tăng trưởng phi mã trên 2 con số đã qua rất xa, nhưng các nhà lãnh đạo, kinh tế vẫn tin tưởng rằng đây cũng chính là cơ hội để tái cấu trúc DN và nền kinh tế.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB nhận xét, Nghị quyết 11 giúp Việt Nam rất nhiều trong việc phục hồi vĩ mô. Tuy nhiên, Việt Nam có những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng hơn và đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế, hạn chế năng lực cạnh tranh về lâu dài. "Cần có các giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề cơ cấu, nếu không nền kinh tế vẫn trải qua các vấn đề khó khăn".
Trao đổi về khả năng "chèo lái" nền kinh tế, PGS, TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trước hết, phải cải cách tài khóa và tài chính công, cắt giảm đầu tư công, cải cách DN Nhà nước và ngành tài chính. Chấm dứt việc doanh nghiệp nhà nước vay tiền nhưng sau đó Bộ Tài chính lại phải đi trả nợ. Để giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ cần có quyết tâm cao hơn nữa nhằm giảm dần nhập siêu hàng năm sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, trong điều hành kinh tế 5 năm tới, dù theo kịch bản nào, vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trước tình hình đó, Chính phủ đã lựa chọn và trình T.Ư và Quốc hội các chỉ tiêu và giải pháp mới. Thay cho mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 7 - 7,5% giai đoạn 2012 - 2015, Chính phủ sẽ đề xuất giảm xuống còn 6 - 6,5% trong năm đầu tiên để ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Ngoài hạ chỉ tiêu tăng trưởng, ông Ninh còn nhấn mạnh về mục tiêu trong cả 5 năm tới là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp, và tái cơ cấu thị trường tài chính. "Đây là nhiệm vụ khó khăn và phải thực hiện ngay từ bây giờ. Chúng tôi cho rằng không thể chậm trễ hơn được nữa", ông Ninh phát biểu.