Thời gian tới, nhiều cái tên mới trong khối NHTM, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được xướng lên trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.Ngân hàng TMCP Nhà nước vào "guồng quay"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, NHNN đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại BIDV và MHB. Cơ quan này cũng thực hiện thẩm định và xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể nâng cao năng lực tài chính từ nay đến năm 2015 của 5/5 NHTM Nhà nước
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động tự tái cơ cấu trong nội tại của mình. Khối này đã bước đầu cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cơ cấu tài sản được điều chỉnh theo hướng lành mạnh hơn, giảm bớt đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, đồng thời nâng cao chất lượng tài sản.
Hoạt động nghiệp vụ tại Agribank Chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Bên cạnh đó, các NHTM Nhà nước cũng tích cực hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM CP yếu kém thông qua hỗ trợ thanh khoản, tham gia giám sát đặc biệt và sẵn sàng góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, ký kết thỏa thuận hợp tác... Điển hình là Vietcombank hỗ trợ VNBC tái cấu trúc sau sự việc một số thành viên quản trị của VNBC bị bắt. Với Agribank - ngân hàng có nhiều yếu kém trong thời gian trước, để lại hậu quả nặng nề, NHNN đã xây dựng và triển khai đề án tái cấu trúc, thực hiện "thay máu" toàn bộ Hội đồng thành viên, cải tổ Ban điều hành... nhằm tạo ra năng lực chỉ đạo, điều hành mới của ngân hàng này.
Nhiều diễn biến mới
Bên cạnh việc tái cơ cấu lại các NHTM Nhà nước, NHNN đang tiến hành thẩm định phương án cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính và các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Thời gian tới, nhiều cái tên mới sẽ được xướng lên trong công cuộc mua bán - sáp nhập. Theo đó, ngoài trường hợp chấp thuận cho VPBank mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản, NHNN tiếp tục thẩm định phương án cơ cấu lại đối với 3 công ty tài chính là: Tài chính Điện lực; Tài chính Hóa chất; Tài chính Dệt may; chấp thuận về chủ trương việc Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Dệt may; xử lý đề nghị Công ty Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa chất. NHNN cũng thấp thuận về mặt chủ trương việc sáp nhập một số ngân hàng với ngân hàng như Southern Bank sáp nhập Sacombank, MDB sáp nhập Maritime Bank…
Đại diện NHNN cho biết, đến nay, các ngân hàng yếu kém được tái cơ cấu theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản đảm bảo theo quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục…
Đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài, thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo tái cơ cấu 3 ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó có 2 ngân hàng dự kiến có sự thoái vốn của đối tác Việt Nam, triển khai việc rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.