Sáng 22/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum đã tái hiện lễ cầu an độc đáo. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 20-24/11.
Lễ cầu an theo tiếng Ba Na gọi là Puh hơ drih. Đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời mang tính cộng đồng sâu sắc và là một trong những lễ hội đặc sắc của người Ba Na liên quan đến con người và mùa màng. Lễ hội cầu an được tổ chức sau khi dân làng đã thu hoạch hết những hạt lúa ở nương rẫy.
Nghệ nhân A Thút, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đảm nhiệm vai trò là già làng trong lễ hội cho biết: “Theo quan niệm của người Ba Na, lễ hội Puh hơ drih là phong tục tập quán từ lâu đời, một trong những nét đẹp văn hóa của người Ba Na chúng tôi. Lễ hội được tổ chức trong khoảng thời gian tháng 11, tháng 12 dương lịch với mong muốn cầu cho dân làng ấm no, khỏe mạnh, tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh, xua đuổi các thế lực siêu nhiên xấu, các loại ma xấu, xua đuổi những xui xẻo, tai họa đến với dân làng… Để buôn làng yên bình, khỏe mạnh, dân làng ăn cơm mới được no đủ không bị đói, cầu cho mùa màng được mùa”.
Nghệ nhân A Thút cũng cho biết: “Lễ hội có từ xa xưa, từ lâu đời truyền lại cho con cháu, bắt nguồn từ truyền thuyết ngày xưa trong làng bị đại dịch, không có thuốc men, dân làng chết nhiều. Người dân bắt dê làm vật tế thần, cầu mong thần linh xua đuổi tà ma. Kể từ khi đó hết dịch bệnh, không còn ai chết nữa nên lễ hội được duy trì hàng năm”.
Trước khi tổ chức lễ hội, già làng tổ chức cho dân làng phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà Rông, bến nước, dọn vệ sinh sạch sẽ trong thôn làng. Dân làng chuẩn bị 4 hình nộm người làm bằng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên cũng như sản phẩm từ nông nghiệp… để phục vụ trong lễ hội.
Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng cho Yang những lễ vật hiến sinh cho phù hợp, thông thường lễ vật là những con bò, heo, dê, gà. Trong lễ cầu an được tổ chức ngày hôm nay, người Ba Na chọn dê làm vật hiến sinh.
"Con dê là vật hiến sinh, tế thần, là lễ vật chính trong buổi lễ ngày hôm nay. Con dê được người dân coi là anh của các súc vật trong làng vì dê có râu", nghệ nhân A Thút giải thích.
Già làng là người chủ trì buổi lễ, tập trung người dân tại nhà Rông để làm lễ cúng. Lúc này, già làng chọn những người ưu tú nhất, hiền đạm nhất để đảm trách những công việc như: Già làng cầm khiên, đao đi đầu; bên cạnh là một thanh niên đeo mặt nạ cầm mác; tiếp sau là 4 người thanh niên mang theo hình nộm. Tiếp nữa là 2 thiếu nữ, mỗi người cầm cây lá đót. Cuối cùng là đội cồng chiêng cùng với dân làng.
Già làng bắt đầu làm lễ cầu khấn các thần linh phù hộ, cùng dân làng đuổi các tà ma, bệnh dịch…Làm lễ xong, già làng dẫn đầu cùng đoàn người đi khắp làng để đuổi tà ma… Già làng vừa đi, vừa hú, vừa chỉ chỗ cho dân làng biết vị trí của những con ma đang cư ngụ để đuổi đi. Sau những lời chỉ trỏ, già làng thúc giục dân làng đuổi theo, dân làng hú và đuổi theo.
Đuổi được một đoàn, tiếng cồng chiêng dồn dập nổi lên, già làng cùng toàn thể dân làng nhảy múa cùng nhịp chiêng trống. Sau tiếng cồng chiêng, già làng tiếp tục chỉ chỗ của những con ma và thúc giục dân làng đuổi theo, rồi cồng chiêng tiếp tục nổi lên.
Việc xua đuổi những con ma xấu cứ tiếp tục diễn ra cho đến khi đuổi hết khắp thôn làng, rồi đuổi dồn về cuối làng theo con đường chính ở đầu làng. Sau đó, họ tiếp tục làm lễ cầu khấn mời các thần linh bảo vệ con người xuống cùng ăn, cùng uống, chung vui với dân làng đã đuổi hết tà ma, và xin các thần linh phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, dân làng không bị đói, bảo vệ dân làng không bị các con ma xấu, các bệnh dịch, những xui xẻo, tai họa… đến với dân làng.
Bà con sau đó vui chơi, đánh cồng chiêng, đến khi nào họ cảm thấy mệt mỏi thì thôi.