Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tài khóa năm 2012: Tiếp tục chính sách thắt chặt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhìn nhận bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách 2012...

Ngày 24/12 đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, chỉ số giá cả dần đi vào ổn định, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong tình hình mới.

Giảm chi tiêu công

Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2011, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 674,5 nghìn tỷ đồng, ước tăng khoảng 13,4% so với dự toán và tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010; tổng chi NSNN đạt 796.000 tỷ đồng; bội chi NSNN đạt 111,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% GDP, thấp hơn mục tiêu 5,3% GDP mà Quốc hội đề ra. Mặc dù vượt thu so với dự toán nhưng tình trạng thất thu còn nhiều, chi đầu tư phát triển còn dàn trải… Năm 2012, ngành tài chính phấn đấu tăng thu NSNN từ 5 đến 8 % so với chỉ tiêu Quốc hội giao, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% GDP.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, với vai trò là công cụ mạnh, chính sách tài khóa năm 2012 sẽ thực hiện theo xu hướng thắt chặt và hiệu quả bằng cách tích cực tăng thu và dành nguồn tăng thu bố trí chi NSNN theo nguyên tắc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn. Công cụ hữu hiệu là sử dụng vai trò của thuế. Bộ Tài chính đang xây dựng đề án tổng thể chống thất thu thuế, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật thuế, nhất là các luật thuế mới, thực hiện quyết liệt các biện pháp...

Bên cạnh việc quản lý nguồn thu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng một lần nữa khẳng định phương châm điều hành chi NSNN cũng bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm. Thực hiện cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi, trên tinh thần đó giảm nợ công. Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là bố trí chi NSNN hợp lý hơn, phân cấp và giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các địa phương để các địa phương chủ động, tránh tình trạng dàn trải và trông chờ vào ngân sách Trung ương. Tăng cường kỷ luật tài chính, theo đó, sẽ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn, an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ quan trọng  khác.

Kiểm soát giá đầu vào

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính xây dựng lộ trình điều hành giá theo thị trường nhưng không gây sốc. Điểm đáng chú ý trong định hướng điều hành giá của Bộ Tài chính năm tới, việc điều chỉnh giá ba mặt hàng đầu vào quan trọng của sản xuất gồm điện, than và xăng dầu vẫn do Nhà nước quản lý. "Nhà nước vẫn phải trực tiếp điều hành giá ở mức độ nhất định, giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở như thuế nhập khẩu xăng vẫn ở mức 0%, chưa đúng với barem thuế hiện hành. Vì vậy, trước mắt chưa thể để DN xăng dầu đầu mối tự định giá" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giá điện, Bộ Tài chính cho biết, chỉ điều chỉnh tăng ở mức kiềm chế. Các khoản còn "treo" lại chưa tính vào giá thành của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Bộ Tài chính cam kết không cho phép tính hết vào lần tăng giá tiếp theo mà sẽ phải phân bổ dần. Việc điều chỉnh được thực hiện vào thời điểm thích hợp, trên cơ sở các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ gia đình nghèo và hộ trung bình.

Về giải pháp kiềm chế tăng giá sau việc tăng giá điện, Bộ trưởng cho biết, các biện pháp thanh tra, kiểm tra về giá hết sức cần thiết, tránh tâm lý "té nước theo mưa". Khi Luật Giá được thông qua, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện, than, xăng dầu theo đúng định hướng và trọng tâm và chú trọng đến công tác kiểm tra giá cả. Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp trực tiếp, trong đó nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ công cho sản xuất và đời sống mà Nhà nước còn định giá; tiếp tục sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, trong năm 2012 và giai đoạn đến năm 2015, ngành Tài chính cần thực hiện 6 giải pháp lớn. Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt. Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công; Thứ 3, hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính DN, triển khai quá trình tái cấu trúc DNNN; Thứ tư, triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp; Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ nợ Chính phủ, nợ công, nợ quốc gia, bảo đảm nợ trong giới hạn an toàn. Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ:

Năm 2012 sẽ kiểm toán Petrolimex

Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm toán giá cả một số các một hàng chiến lược tại doanh nghiệp, nhất là đối với Tập đoàn Điện lực, xăng dầu và một số đơn vị khác. Kế hoạch tới đây sẽ kiểm toán toàn diện Petrolimex, thanh tra EVN và những đơn vị ngoài ngành điện và bán sản phẩm cho ngành điện. Qua đó, chúng ta sẽ có bức tranh toàn diện, đầy đủ về ngành điện để tiến tới mục tiêu minh bạch thông tin cho dư luận được biết.