Tài sản trí tuệ - nền tảng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác hỗ trợ xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng lực quản lý và khai thác tốt nguồn tài sản trí tuệ. Nhiều mô hình đã và đang được thực hiện có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội đang dần phát huy hiệu quả.

Động lực phát triển tài sản trí tuệ
Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng về sở hữu trí tuệ để khai thác và phát triển, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội không ngừng xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của thành phố, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên tập thể cùng sử dụng và khai thác, phát triển sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể tiềm năng, mang lại thương hiệu và nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang.

Đơn cử như sản phẩm nhãn hiệu tập thể mây tre đan Phú Nghĩa do Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) là thành viên tham gia sản xuất là hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng... Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, những sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa của mây tre đan Việt Quang luôn được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi giá trị truyền thống, cũng như tính nghệ thuật đỉnh cao qua sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề. Hiện các sản phẩm của công ty được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như: Đức, Trung Quốc, Ba Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, đem lại nguồn thu lớn.

Hay như sản phẩm Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như sơn mài, người Hạ Thái còn tạo ra nhiều mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm...

Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái được trưng bày ở những hội chợ thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Các sản phẩm phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, không chỉ sơn son thếp vàng đồ thờ cúng, mà còn phát triển tranh sơn mài những đồ dùng, vật dụng trang trí phục vụ trong cuộc sống rất được ưa chuộng tại một số nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Hàng năm giá trị thu nhập từ nghề sơn mài đạt trên 60 tỷ đồng, nghề truyền thống đã giải quyết cho nhiều lao động phương với mức thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ việc tham gia tập thể sử dụng, khai thác thương hiệu Sơn mài Hạ Thái, nhiều doanh nghiệp phát triển và xuất khẩu nhiều sản phẩm. Tại Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái có hàng trăm cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghề sơn mài, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống ở địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh hoạt động du lịch, để du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về nét đẹp của làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.

Đây là hai trong số các dự án được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề mang địa danh. Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, hoạt động sở hữu trí tuệ đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tạo động lực giúp địa phương dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm việc với huyện Thanh Oai về triển khai công tác sở hữu trí tuệ tại cơ sở.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội vẫn được duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nhận thức đúng đắn của các cơ quan quản lý các cấp quận, huyện, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng và quan tâm hơn của các cấp quận, huyện và doanh nghiệp.

Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với 13 quận, huyện của Thành phố tổ chức 18 lớp tập huấn với 1.260 người tham dự với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh đó công tác tư vấn, hướng dẫn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xem là hoạt động thường xuyên.

Trong năm qua Phòng quản lý Sở hữu trí tuệ đã tham mưu lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình UBND Thành phố cho phép sử dụng 14 địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 1 địa danh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn được 31 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là 25 đơn nhãn hiệu, 6 đơn sáng chế, 1 đơn giải pháp hữu ích và 8 đơn kiểu dáng công nghiệp.

Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở các buổi tập huấn và ấn phẩm, để tạo sự lan tỏa lớn đến cộng đồng cần phải đẩy mạnh truyền thông tuyền hình với những phóng sự, tổ chức sự kiện ngoài trời.

Công tác hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP Hà Nội được ưu tiên, tập trung đối với quá trình quản lý, phát triển và bảo tồn các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp của Hà Nội. Năm 2020, Sở đã ký hợp đồng triển khai 22 dự án theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, trong đó có 18 dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể và 4 dự án nâng cao năng lực quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ.

Hoạt động sáng kiến trên địa bàn Thành phố được quan tâm. Các sáng kiến, giải pháp ngày càng có chất lượng cao tính ứng dụng vào thực tiễn rõ rệt.

Đặc biệt, công tác hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được xác định là hoạt động ưu tiên và then chốt đối với quá trình quản lý, phát triển và bảo tồn các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp của Hà Nội. Việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội đã góp phần nâng cao vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cần có sự hỗ trợ về chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ với những khóa học đào tạo ngắn và dài hạn ở trong và ngoài nước và có sự phối hợp chặt chẽ hơn đối với các dự án phát triển tài sản trí tuệ của Hà Nội.