Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức 34 cụm thi liên tỉnh kỳ thi THPT quốc gia 2015 là nhiêu khê! Tại sao không phải là 63 cụm thi, mà cứ phải 34? Tổ chức 34 cụm thi là Bộ GD&ĐT không tin UBND và các sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT là nơi theo dõi sát sao việc tổ chức dạy học của các trường trong tỉnh, thành suốt 12 năm, bây giờ tự dưng Bộ GD&ĐT giao cho các trường ĐH đến chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp là vô lý và dẫn đến tác dụng ngược. Cụ thể, chính quyền địa phương và sở GD&ĐT không có trách nhiệm chính trong việc đỗ - trượt hay học sinh (HS) phải đi thi với quãng đường xa. Tốt nhất là Bộ nên giao cho các sở GD&ĐT và UBND tỉnh, TP tổ chức cụm thi ngay trong từng tỉnh, thành. Tất nhiên, phải có chế tài đi kèm để việc thực hiện được nghiêm túc. Chẳng hạn, nếu chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở GD&ĐT làm sai quy định sẽ tùy theo tính chất sự việc để xử lý, mức cao nhất là cách chức. Giảng viên, giáo viên coi thi cố tình tạo cơ hội cho thí sinh (TS) gian lận thì bị hạ bậc lương, đuổi khỏi ngành.
Tôi muốn nhấn mạnh, Bộ giao cho UBND tỉnh, thành và sở GD&ĐT tổ chức thi cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ có nhiều lợi thế. Thứ nhất, đơn vị tổ chức sẽ bố trí đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc. Thứ hai, huy động được tối đa lực lượng công an và bảo vệ siết chặt kỷ luật trường thi và ATGT, bảo vệ đề thi. Thứ ba, kinh phí tổ chức kỳ thi được lấy từ nguồn chi thường xuyên của ngành giáo dục… Còn nếu Bộ vẫn muốn giao cho các trường ĐH chủ trì sẽ dẫn đến việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp và bài bản. Biết rằng, các trường ĐH đã có kinh nghiệm làm thi ĐH, nhưng việc tổ chức cho một lực lượng lớn TS, phối hợp nhiều bên tham gia, chắc chắn có những lúng túng và có thể xảy ra sự cố. Rồi khi các trường ĐH cử cán bộ giảng viên đến cụm thi, cũng đồng nghĩa với phải lo chi phí ăn, nghỉ, đi lại, bồi dưỡng trước, trong và sau những ngày diễn ra kỳ thi. Như thế chi phí cho kỳ thi sẽ đội lên rất nhiều.
Bộ cũng không nên phân biệt TS có nhu cầu xét tốt nghiệp hay có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chung cho tất cả HS lớp 12, tại sao Bộ lại có sự kỳ thị ngay trước kỳ thi? Nhất là khi tốt nghiệp lớp 12, các em có quyền đăng ký vào trường ĐH. Bộ đã từng nghĩ đến trường hợp có em HS vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm nay không thể đăng ký thi vào ĐH, phải đăng ký thi tốt nghiệp ở địa phương. Nếu sang năm, điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện và muốn thi vào ĐH, lúc ấy sẽ phải làm sao? Bộ lập luận các em thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể học ĐH là chưa thỏa đáng. Đồng ý là các em được đăng ký xét tuyển vào các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng số trường ấy không nhiều, dẫn đến bị bó hẹp trong việc lựa chọn trường và ngành nghề. Và có thể HS đó sẽ phải học ngành mình không yêu thích, sau này ra trường đi làm không có sự đam mê dẫn đến chất lượng và hiệu quả thấp.
Tôi mong Bộ GD&ĐT có những suy xét và quyết định đúng đắn để đảm bảo quyền lợi chính đáng và tối đa cho từng TS cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trần Oanh ghi
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|