Tại sao phải di dời các hộ kinh doanh tại mặt tiền?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng nay, 32 hộ dân có gian hàng kinh doanh trước mặt tiền chợ đêm Đồng Xuân chưa hết bức xúc trước yêu cầu di dời vị trí từ trước cổng chợ về phố Cầu Đông.

Tại sao phải di dời các hộ kinh doanh tại mặt tiền? - Ảnh 1Yêu cầu này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ hàng gắn bó với chợ đêm Đồng Xuân gần 15 năm nay. Phóng viên báo KT&ĐT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Thủy – Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân nhằm giải đáp những thắc mắc này.

Mở thêm không gian văn hóa chợ đêm

Ông có thể cho biết lý do vì sao phía công ty đưa ra yêu cầu 32 hộ kinh doanh ở trước mặt tiền chợ đêm Đồng Xuân phải di dời vị trí kinh doanh?

- Sau hơn 10 năm hoạt động, UBND quận Hoàn Kiếm có chủ trương nâng cao chất lượng tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân. Chính vì vậy, thời gian qua, một phần tổ chức thêm không gian cho các tuyến phố đi bộ mở rộng nhằm giảm tải lượng người tham gia, một phần sắp xếp lại quầy hàng kinh doanh. Nhiều tháng nay, Công ty CP Đồng Xuân đã lên kế hoạch tổ chức, ổn định được 325 hộ kinh doanh trên vỉa hè từ Hàng Đào đến Đồng Xuân. Hiện nay, dọc các tuyến phố chợ đêm, dưới lòng đường, trên vỉa hè đều thông thoáng không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè; hộ kinh doanh dưới lòng đường cũng không nhô ra khỏi vị trí quy định, nhường không gian cho người đi bộ.

Giai đoạn tiếp theo của việc chấn chỉnh các hộ kinh doanh là sắp xếp lại địa điểm kinh doanh khu vực mặt tiền chợ Đồng Xuân và tuyến phố đi bộ Hàng Khoai. Chủ trương này đã được UBND quận thông báo trong báo cáo số 66/BC-UBND, ngày 21/5/2015. Và ngày 22/5, văn phòng UBND TP cũng đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Quốc Hùng thống nhất với các giải pháp hoàn thiện tuyến phố đi bộ của UBND quận. Theo kế hoạch chấn chỉnh sẽ có 117 hộ kinh doanh phía mặt tiền chợ Đồng Xuân, đối diện mặt tiền chợ và khu vực tuyến phố Hàng Khoai phải di dời. Đến nay 85 hộ đã di dời, còn 32 hộ không chấp thuận.

Được biết, hợp đồng thuê địa điểm giữa các hộ kinh doanh và Công ty CP Đồng Xuân chưa hết hiệu lực. Hơn nữa, di chuyển gian hàng đến phố Cầu Đông sẽ không mang lại nhiều lợi ích kinh doanh như vị trí cũ. Ông có nghĩ phản ứng của các hộ là điều dễ hiểu?

- Chúng tôi không chấm dứt hợp đồng, mà chỉ là chuyển vị trí kinh doanh từ chỗ A sang chỗ B. Dù trong hợp đồng cũng có điều khoản thuê vị trí, nhưng nay vị trí đó vào quy hoạch thì các hộ phải chấp nhận di chuyển. Vẫn biết các hộ sẽ thiệt về lợi ích kinh doanh, nhưng đây là chủ trương vì lợi ích chung, Công ty chỉ là đơn vị thực hiện. Công ty chúng tôi cũng chịu thiệt, vì để ổn định kinh doanh cho các hộ, trong tháng đầu, Công ty không thu tiền thuê vị trí mới. Chúng tôi còn lo lắp đặt cơ sở vật chất cơ bản cho các hộ.

Sau khi di dời các hộ kinh doanh, vị trí mặt tiền chợ đêm Đồng Xuân sẽ để làm gì?

- Nơi đây sẽ là quảng trường cho các hoạt động văn hóa như: Hát xẩm, ca trù, chầu văn, quan họ, âm nhạc đương đại. Hiện nay, chúng ta để quá nhiều hoạt động thương mại, trong khi để chợ đêm cùng tuyến phố đi bộ thành điểm hấp dẫn với du khách và bà con Nhân dân thì cần đẩy mạnh nhiều không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện nay, tại không gian tuyến phố đi bộ mở rộng đã làm nổi bật được giá trị văn hóa phi vật thể, từ văn hóa ẩm thực đến không gian âm nhạc dân gian, đương đại ở nhà cổ 87 Mã Mây, 28 Hàng Buồm, 61 Lương Ngọc Quyến và ở các điểm đầu ngã tư Đào Duy Từ, Trần Hưng Đạo…

Đặt ra giả thiết, nếu các hộ kinh doanh cố tình không thực hiện thì phía Công ty sẽ giải quyết như thế nào?

- Chúng tôi đã tổ chức 1 lần họp thông báo và 3 lần họp bốc thăm vị trí mới. Tuy nhiên, 32 hộ kinh doanh đều cố tình không hợp tác. Qua ngày 15/7, chúng tôi sẽ kiên quyết không cho các hộ kinh doanh lắp dựng gian hàng trước mặt tiền cổng chợ.

Tiếp tục nghiên cứu mở rộng tuyến phố đi bộ

Tuyến phố đi bộ mở rộng sau 6 tháng triển khai đã tạo được không gian sinh hoạt hấp dẫn. Công ty có tiếp tục nghiên cứu mở rộng các không gian đi bộ trên các tuyến phố khác?

- Chúng tôi đang nghiên cứu mở rộng theo hướng về phía Hồ Hoàn Kiếm như: Tuyến phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Gia Ngư, rồi có thể ra chỗ Ô Quan Chưởng – điểm di tích đặc trưng của Hà Nội. Tiếp theo là Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, phố nghề Lãn Ông, Hàng Bạc… Chúng tôi chủ trương hướng về các điểm văn hóa.

Có ý kiến cho rằng mặt hàng kinh doanh trên phố đi bộ Hà Nội đều gắn mác “made in China”, Công ty có kế hoạch chấn chỉnh các mặt hàng này?

- Đòi hỏi mặt hàng trên phố đi bộ phải là làng nghề, phố nghề thì rất khó, bởi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc còn khoảng cách. Những người bán hàng tại chợ đêm không ra đây để chơi mà để mưu sinh nên họ phải đặt lợi nhuận lên trên, phải bán cái gì khách hàng đang cần. Điều đáng mừng là gần đây trên tuyến phố xuất hiện nhiều hàng thủ công khéo tay như: Chuồn chuồn tre, đồ cắt giấy, đồ chơi thủ công…

Hội An là nơi tổ chức thành công tuyến phố đi bộ, Công ty có học hỏi trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị của TP bạn?

- Hội An thuận lợi hơn khu vực Phố cổ vì mật độ dân cư thưa, đoạn đường ngắn hơn, sản phẩm thương mại cũng không nhiều. Theo tôi phố cổ Hội An chưa thể so sánh với Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần