Việc này, khiến tại xã này đang tồn tại hai hợp đồng kinh tế chồng chéo và vô tình đã đẩy Công ty Tân Sơn vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười”.Theo phản ánh, xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm nâng cao năng lực cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, UBND TP Hải Phòng đã có Quyết định số 1087/QĐ – UBND ngày 21/7/2011 và Quyết định số 859/QĐ – UBND ngày 8/6/2012 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây dựng các hạng mục công trình cấp nước sạch nông thôn năm 2012. Ngay sau đó, UBND huyện Vĩnh Bảo đã giao cho các xã lên phương án lập kế hoạch, các chủ đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch phải đạt được các tiêu chí như quy hoạch mặt bằng, đề án bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường… Cũng từ đây, địa bàn huyện Vĩnh Bảo đã lần lượt ra đời các trạm cấp nước mini, trong đó có 2 nhà máy của Công ty CP Tân Sơn đặt tại xã Thắng Thủy.
Theo ông Phạm Văn Tân, Công ty CP Tân Sơn đã ký kết hợp đồng kinh tế với UBND xã Thắng Thủy về đầu tư xây dựng và cấp nước cho toàn xã để quản lý vận hành, cấp nước cho nhân dân với thời hạn 38 năm. Hiện, công ty đã đầu tư nhà xưởng, bể hồ và toàn bộ đường ống chính, nhánh dài khoảng 30km chạy quanh xã. Đồng thời, thay máy bơm công suất lớn để đáp ứng nhu cầu người dân. Công ty đã dồn sức cho DA cấp nước sạch nông thôn từ 5 năm nay với con số đầu tư lên tới cả chục tỷ đồng và người dân yên tâm với chất lượng nguồn nước vì DN thường xuyên nâng cấp, duy tu bảo dưỡng máy móc. Ngoài ra, theo định kỳ, các đơn vị có liên quan như: Trung tâm nước sạch – Sở Nông nghiệp Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng thuộc Sở y tế Hải Phòng… thường xuyên kiểm tra các chỉ số về nước theo quy định cho phép. Người dân không có ý kiến về chất lượng nước và giá cả phù hợp theo quy định.Tuy nhiên, khi đang hoạt động và vận hành tốt thì ông Phạm Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy ký tiếp một hợp đồng kinh tế với Công ty Đại Dương và cho phép công ty này lắp đặt đường ống nước vào địa bàn xã Thắng Thủy với thời hạn là 50 năm. Việc ký hợp đồng “tiền hậu bất nhất” của ông Chủ tịch xã đã khiến Công ty Tân Sơn vô cùng bức xúc. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy Phạm Văn Tốt đã thừa nhận những thiếu sót của mình trong quá trình ký hợp đồng với Công ty Đại Dương. Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy Phạm Văn Tốt cho rằng, trong quá trình làm việc ai cũng có thiếu sót và không tránh khỏi những sai lầm. Với những kiến nghị của Công ty Tân Sơn, UBND xã đã tiếp nhận và trong thời gian tới sẽ cố gắng “dàn xếp” với cả hai bên. Còn khi được hỏi về việc là người đứng đầu xã ông có biết việc chính quyền vừa ký hợp đồng với Công ty Tân Sơn lại vừa ký với Công ty Đại Dương là không đúng, ông Tốt cho biết, có thể trong quá trình làm việc chúng tôi chưa sâu sát, chưa đúng và các phóng viên nên để địa phương giải quyết hai bên cho hài hòa … Rõ ràng, qua đây có thể thấy, ông Tốt biết việc ký hợp đồng với Công ty Đại Dương là sai nhưng không hiểu vì lí do gì lại “nhắm mắt làm ngơ” khiến Công ty Tân Sơn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi hiện tại không thể tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống. Với Công ty Đại Dương lại càng khó thực hiện trong việc chạy đường ống nước đấu nối tại xã Thắng Thủy bởi vấp phải sự đối kháng từ Công ty Tân Sơn. Điều đáng nói, bản thân Công ty Tân Sơn có nguyện vọng mong muốn đầu tư tiếp thì lãnh đạo xã yêu cầu dừng thi công và đưa ra lí do UBND huyện Vĩnh Bảo không cho phép công ty này mở rộng.Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các DN và Nhân dân, đề nghị chính quyền huyện Vĩnh Bảo khẩn trương vào cuộc để có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.