KTĐT - Trong điện thoại là dòng tin nhắn từ người chồng đã sống cùng chị suốt 14 năm qua, với nội dung vô cùng ngắn gọn: “Taloq taloq taloq”, nghĩa là ly hôn, ly hôn, ly hôn.
Có cuộc hôn nhân kết thúc trong sự tức tối của đôi bên, cuộc khác lại khiến người ta khóc than đau khổ.
Trường hợp của Marina Dodobayeva lại vô cùng đặc biệt bởi nó kết thúc chỉ bằng đúng một tin nhắn gửi đi từ điện thoại của người chồng. Bà mẹ 33 tuổi người Tajikistan đã có 2 con này đang quét sân nhà hồi tháng 10 năm ngoái, khi chiếc điện thoại di động của chị rung lên.
Ly hôn chỉ bằng một câu 3 chữ
Trong điện thoại là dòng tin nhắn từ người chồng đã sống cùng chị suốt 14 năm qua, với nội dung vô cùng ngắn gọn: “Taloq taloq taloq”, nghĩa là ly hôn, ly hôn, ly hôn. Với những từ đó, Dodobayeva đã là thành viên của cộng đồng các phụ nữ Hồi giáo ở Tajikistan bị chồng ly hôn, chỉ bằng tin nhắn đơn giản chứa 3 từ taloq. Đây là một nghi thức của Hồi giáo, trong đó một người đàn ông có thể chấm dứt cuộc hôn nhân của anh ta bằng cách nhắc lại từ ly hôn 3 lần liên tiếp. Choáng váng, Dodobayeva vội vã gọi cho chồng, người đang làm công nhân ở Nga, để tìm lời giải thích. “Anh ta nói với tôi rằng đừng tốn công gọi thêm nữa, bởi giờ anh ta đã có gia đình mới” - Dodobayeva cay đắng kể lại.
Khi Tajikistan còn là một phần của Liên Xô, niềm tin tín ngưỡng bị hạn chế. Nhưng kể từ khi giành độc lập vào năm 1991, các giá trị Hồi giáo bảo thủ và truyền thống đã lớn mạnh trở lại. Không có con số thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia pháp lý nói rằng rất nhiều, nếu như không phải hầu hết các cuộc hôn nhân ở Tajikistan ngày nay chỉ thông qua hội đồng Hồi giáo và một nghi thức tôn giáo gọi là nikaah mà không được đăng ký ở cơ quan nhà nước, và vì thế trở thành bất hợp pháp.
Azita Ranjbar, một học giả Fullbright, chuyên gia về các vấn đề phụ nữ và pháp luật ở Tajikistan nói rằng, thực tế nhà nước đóng vai trò không lớn trong đời sống của dân Tajikistan khiến nhiều cặp vợ chồng cũng không ý thức được việc cần phải đăng ký kết hôn. Bà nói rằng theo sau cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1992 - 1997, người dân đã ngừng đăng ký kết hôn.
Mất quyền lợi vì không đăng ký kết hôn
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện có hơn 1 triệu trong quy mô dân số 7 triệu người Tajikistan được cho là đang sống ở nước ngoài và 1/3 trong số đó sẽ không trở về nhà. Việc các cặp vợ chồng phải xa nhau dài ngày khiến cho hôn nhân rất dễ đổ vỡ. Nhưng khi ly hôn xảy ra, phụ nữ Tajikistan luôn nhận lấy phần thiệt do cuộc hôn nhân của họ chỉ diễn ra trong khuôn khổ tôn giáo.
Hiện luật Hồi giáo Tajikistan không khuyến khích việc ly hôn, nhưng cũng không ngăn cấm hoạt động này. Việc ly hôn sẽ diễn ra, khi một người chồng công khai ý định ly dị vợ và một giáo sĩ Hồi giáo phải phê chuẩn quyết định chia tay. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt hiếm hoi, phụ nữ Hồi giáo không được phép ly hôn chồng. Sau khi ly hôn, các giáo sĩ Hồi giáo cũng không thể bắt người chồng phải có trách nhiệm gì với vợ.
“Đăng ký kết hôn là điều hết sức quan trọng để phụ nữ bảo vệ tình hình an ninh tài chính của họ, đề phòng những tình huống không hay có thể xảy ra trong hôn nhân” - Marcellene Hearn, một luật sư và nhà nghiên cứu người Mỹ nhận xét. Khi tỷ lệ ly hôn leo thang ở quốc gia Trung Á, vấn đề quyền lợi sau chia tay mới xuất hiện. Theo luật Tajik, phụ nữ có quyền nhận 50% gia sản khi ly hôn. Nhưng một nghiên cứu của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho thấy khoảng 80% phụ nữ Tajik bị từ chối quyền chia tài sản và hỗ trợ nuôi con khi ly hôn, vì họ không đăng ký kết hôn.
Theo truyền thống, Dodobayeva sống cùng gia đình chồng. Nhưng sau khi nhận được những tin nhắn ly hôn, cô có khả năng sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. “Có thể họ sẽ không đuổi tôi vì còn dính dáng tới những đứa cháu. Sau rốt chúng vẫn là gia đình của họ mà” - cô bày tỏ hy vọng mong manh.
Rất nhiều cuộc hôn nhân của người Tajik, do không đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền, nên người ta không thể rõ có bao cặp đã ly hôn bằng 1 tin nhắn. như trường hợp của Dodobayeva. Tuy nhiên các giáo sĩ Hồi giáo cho biết càng ngày họ càng chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ bị chồng ly hôn qua điện thoại di động tìm tới họ để xin lời khuyên và sự giúp đỡ.
Tình trạng này đã bị giới chức Hồi giáo ở Tajikistan lên án mạnh mẽ và họ đang có kế hoạch cấm triệt để hoạt động này. “Việc ly hôn bằng tin nhắn là phi logic, không hợp lý và trái hẳn với cả luật Shariah Hồi giáo lẫn luật pháp thông thường”- Abdurakhim Kholikov, lãnh đạo ủy ban các vấn đề tín ngưỡng của Chính phủ nói - “Các gia đình không nên bị hủy hoại, tuy nhiên nếu có ly hôn, những người đàn ông phải đối xử với phụ nữ bằng sự tôn trọng và phải tuyên bố quyết định ly hôn trước mặt vợ”.
Bi hài chuyện ly hôn công nghệ cao
Được biết Tajikistan không phải là nơi duy nhất trên thế giới có chuyện ly hôn qua tin nhắn hoặc các phương tiện liên lạc công nghệ cao. Hồi năm 2001, giới chức Hồi giáo ở Singapore đã ban lệnh cấm việc ly hôn bằng tin nhắn, sau khi hiện tượng này xuất hiện. Cùng năm đó, tòa án ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho phép ly hôn bằng tin nhắn, nếu một số điều kiện nhất định được thỏa mãn. Trong khi đó giới chức Hồi giáo ở Qatar ra sắc lệnh nói rằng chỉ có việc ly hôn bằng thư điện tử là chấp nhận được.
2 năm sau, một tòa án Hồi giáo ở Malaysia tuyên bố những người chồng có thể ly hôn vợ bằng tin nhắn. Quyết định đã làm bùng lên những tranh cãi trong công chúng và cả sự tự vấn lương tâm của mỗi người về việc làm sao để các truyền thống cổ xưa của Hồi giáo có thể thích nghi với cách thức liên lạc đang phát triển ngày càng nhanh.
Trong một số trường hợp, tính tức thời của công nghệ có thể khiến những người trong cuộc lãnh đủ. Hồi năm ngoái, một người chồng ở Arab Saudi nhắn tin cho vợ đòi ly hôn khi hai bên tranh cãi nhau kịch liệt. Lúc bình tâm trở lại, anh ta đã đổi ý và hối tiếc về tin nhắn. Tuy nhiên tòa án Hồi giáo ở Arab Saudi đã ra phán quyết nói rằng quyết định ly hôn là hợp lệ. Có tin nói rằng người vợ đã vô cùng phấn khởi khi được giải thoát khỏi anh chồng mà cô không được phép đâm đơn ly hôn.