Chúng tôi xác định sẽ tự nâng mình lên để thực hiện các mục tiêu mà T.Ư và TP giao” – ông Vũ Ngọc Phương - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về chiến lược phát triển của trường nhân sự kiện ngày 28/3, UBND TP tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập trường ĐH Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp từ trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao
Xin ông cho biết cụ thể hơn về sứ mệnh của trường ĐH mang tên Thủ đô Hà Nội?
- Khi được nâng cấp thành ĐH đa ngành của Thủ đô, sứ mệnh của trường có khác. Đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Tiến tới là giải quyết những vấn đề nổi cộm, cũng như các công việc TP đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đô thị, liên quan đến đời sống chính trị, vật chất, tinh thần của Hà Nội. Hơn nữa, trong Quyết định phê duyệt chủ trương thành lập trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu, ĐH Thủ đô Hà Nội phải là ĐH chất lượng cao, có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao; chương trình, phương pháp đào tạo tiên tiến theo đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nhà trường có sự chuẩn bị như thế nào khi được nâng cấp thành ĐH?
- Để thực hiện nhiệm vụ cao cả này, từ rất lâu nhà trường đã có sự chuẩn bị về đội ngũ. Tính tới hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ trường năm 2015, chúng tôi phấn đấu sẽ có hơn 30 tiến sĩ trên tổng số 195 giảng viên, một Giáo sư và 3 Phó Giáo sư (khi chưa nâng cấp lên ĐH, Bộ GD&ĐT công nhận trường có số lượng cán bộ giảng viên có học hàm, học vị cao hơn các trường khác ở Hà Nội). Trường đang cố gắng phấn đấu đến năm 2020, giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 35 - 40%. Ngoài các mã ngành sư phạm vốn đã có thương hiệu, chúng tôi mở thêm các mã ngành ngoài sư phạm như Công nghệ thông tin, Tiếng Anh thương mại du lịch, Tiếng Trung thương mại du lịch, Việt Nam học, Công tác xã hội, Công nghệ môi trường. Mã ngành Công nghệ sinh học đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo, trường chờ đến khi Bộ đồng ý cho tuyển sinh trình độ ĐH sẽ triển khai đào tạo cả 2 trình độ ĐH và CĐ.
Dự kiến khi nào trường tuyển sinh bậc ĐH, thưa ông?
- Hiện nay, lộ trình để trở thành trường ĐH thực thụ còn nhiều vấn đề nan giải. Chúng tôi đặt mốc từ giờ đến tháng 8 hoặc tháng 9 sẽ xin Bộ GD&ĐT cho phép hoạt động dưới danh nghĩa trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Khi đó, chúng tôi đăng ký với Bộ cho mở 17 mã ngành. Nếu được Bộ cho phép, năm học 2016 – 2017, trường sẽ thực hiện tuyển sinh và đào tạo. Hiện, 17 mã ngành đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mở ngành mà Bộ quy định, đã được thẩm định ở cấp trường, chỉ chờ Bộ duyệt. Mã ngành sư phạm gồm: Giáo dục mầm non, Tiểu học, Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục thể chất, Quản lý giáo dục, Công tác xã hội. Ngoài ngành Sư phạm có ngành Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học, Tiếng Anh sư phạm và thương mại du lịch. Ngoài ra sẽ tiếp tục xin mở nhóm ngành Quản lý đô thị, Văn hóa dịch vụ.
Đặc thù Hà Nội
Thưa ông, trường có sự chuẩn bị thế nào về đội ngũ giảng viên cho các ngành mới mở (Quản lý đô thị, Văn hóa dịch vụ, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường)?
- Nhà trường sẽ thu hút từ bên ngoài, có thể là Giáo sư, Phó Giáo sư, hoặc là kỹ sư, thậm chí nghệ nhân. Ý tưởng của trường khi trở thành ĐH phải là trung tâm nghiên cứu khoa học để làm sao trong một vài năm có bước tiếp cận với nhóm các trường ĐH chất lượng cao ở trong nước cũng như khu vực. Hiện nay, cán bộ giảng viên của trường quyết tâm xây dựng, nhất là chuẩn bị cho các báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ của trường lần thứ 16 có nội dung đến năm 2020 sẽ xin phép Bộ GD&ĐT cho đào tạo bậc sau ĐH. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho tất cả các khoa từ năm học 2016 - 2017 phải phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Là trường ĐH mang tên Thủ đô Hà Nội, nhà trường có nghĩ đến việc đào tạo mã ngành mang tính đặc thù của Thủ đô?
- Có chứ! Chúng tôi đã đăng ký một đề tài khoa học cấp TP năm 2015 và đã được duyệt xây dựng mã ngành Hà Nội học. Đương nhiên về mặt chủ trương, chúng tôi yêu cầu tất cả các mã ngành đều phải mang đặc thù của Hà Nội. Có nghĩa là tất cả giáo viên từ mầm non đến THCS đều phải hiểu được lịch sử và truyền thống văn hóa Hà Nội.
Để mang đặc thù Hà Nội, chương trình đào tạo của từng ngành sẽ xây dựng ra sao?
- Bộ GD&ĐT cho phép trường được tự chủ xây dựng chương trình. Quan điểm của trường là tất cả các mã ngành có phần kiến thức chuyên ngành và một phần kiến thức về Hà Nội (một hoặc 2 tín chỉ). Tất nhiên, muốn tiến kịp các trường ĐH trọng điểm trong nước và khu vực thì yếu tố cần đổi mới thứ nhất là phương thức tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng phải tiên tiến. Thứ hai là chương trình cần phải tiên tiến, tiếp cận được với khu vực và thế giới, đảm bảo hòa nhập nhưng không hòa tan. Thứ ba, cơ sở vật chất phải hiện đại để đáp ứng quá trình đào tạo. Thứ tư, đặc biệt quan trọng, là con người phải đổi mới tư duy, phải vượt lên chính mình.
Xin cảm ơn ông!
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|