Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạm cách xa

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị ở nhà với đứa con nhỏ trong căn nhà ngoại ô TP Hồ Chí Minh. Anh đang ở tận Đà Nẵng đã 3 tháng nay chưa thể trở về nhà vì dịch bệnh. Thỉnh thoảng, chị lại bồng con ra ngoài ban công hướng Bắc ngóng chồng.

Không ai ngờ chị là một cô giáo trẻ đẹp mà lại yêu anh, người hình thức bề ngoài bình thường, làm công việc lao động phổ thông. Có lẽ điều đầu tiên chị cảm mến anh là tính tình vui vẻ, xởi lởi, gặp ai anh cũng chào thật to từ xa. Quan trọng là từ khi anh và chị còn nhỏ đã là đôi bạn thân. Nhà anh chị gần nhau, họ thường rủ nhau đi học.
Lúc đó, anh tự nguyện mang vác cặp sách cho chị. Anh không học giỏi nhưng là người sáng dạ, khéo tay, thứ gì anh cũng có thể làm được, đặc biệt là sửa những thứ như quạt điện, ống nước bị hỏng… Hơn nữa, chị mến anh vì anh có nụ cười thật đẹp và mỗi lúc anh cười trông thật hiền hậu.

Hồi là học sinh, anh và chị không hề có mảy may sau này sẽ thành vợ chồng. Thế nhưng, khi biết chị đậu đại học sư phạm, anh bỗng dưng buồn hẳn. Anh nói với chị: “Sau này liệu T có là bạn với mình nữa không? T là cô giáo còn mình chỉ là anh thợ làm thuê?”. Lúc đó chị cười và lần đầu tiên nắm chặt tay anh. Rồi chị lên đường ra thành phố nhập học. Rồi bẵng một thời gian họ mất liên lạc. Chị thì lo học hành, thi cử. Anh vào tận TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, nghe nói khi thì làm thợ xây, lúc thợ mộc và rồi là thợ sắt…

Hồi đang học đại học, chị có rất nhiều chàng trai lượn lờ, tán tỉnh. Tuy nhiên, phần vì bận học, phần chưa gặp được ai ưng ý nên chị không nhận lời yêu ai cả. Thỉnh thoảng, chị cảm giác như những người đến với chị không giống anh, họ lý thuyết và màu mè quá, còn anh là người đàn ông trực tính, sôi nổi, người của công việc. Thỉnh thoảng chị thầm nhớ anh và tự vấn: Hay là mình đã yêu anh mà không biết?

Sau mấy năm học hành, chị vào TP Hồ Chí Minh dạy học, bởi có người quen giới thiệu nơi nhận chị. Trong một ngày mùa khô Sài Gòn, chị cùng vài người bạn đi dự đám cưới của người đồng hương. Bất ngờ, chị gặp lại anh. Trông anh thật rắn rỏi, phong trần.
Chị chủ động lại bàn anh ngồi gọi tên anh và hỏi: “Sao mấy năm trời không liên hệ với em?”. Thế là tình bạn giữa họ nhanh chóng được tiếp nối. Và cũng không ngờ chỉ vài năm sau, chị và anh làm đám cưới. Chị nhận thấy rằng, đúng là anh vẫn là con người thông minh, giàu ý chí, nghị lực. Anh sáng tờ mờ dậy đi làm, chiều tối mịt mới về. Thế mà, về nhà sau khi ăn uống, tắm rửa xong, anh còn lăng xăng tìm xem trong nhà cần làm việc gì không, khi sửa cái này, cái nọ, khi làm thêm đồ dùng cho vợ con.

Mấy năm sau, vợ chồng anh mua được căn nhà nhỏ tồi tàn ở ngoại ô, thoát cảnh phòng trọ. Chị vẫn đi dạy học. Anh vẫn sáng dậy đi làm, tối mới về. Chỉ có điều anh đã được khách hàng đặt hàng công trình riêng. Dần dà anh tổ chức được một nhóm thợ nhận công trình chuyên về sắt. Mấy năm sau anh phải thuê nhà xưởng riêng, đội ngũ thợ cũng đông lên. Anh ăn nên làm ra, xây nhà, xây cửa, nhưng tính tình anh vẫn vậy, xởi lởi, bình dân. Khách hàng rất thích những “ông chủ” như anh vừa uy tín, vừa thạo việc chứ không chỉ tay năm ngón mà thôi.

Anh chị giờ con đã 5 tuổi, có căn nhà ngoại ô khang trang. Anh ra Đà Nẵng làm công trình ngoài đó rồi kẹt lại luôn với những người thợ. Anh ngày nào cũng gọi điện về thăm vợ con, lo dịch bệnh phức tạp lỡ chị bị lây nhiễm. Nhiều lần chị phải động viên anh rằng, ở nhà không sao, chị đã được chích ngừa vaccine. Hiện trường lớp đã khai giảng, dạy học online, chị bận túi bụi nên cũng vơi đi lo lắng và nỗi nhớ anh. Chị nhớ nhất là mỗi lúc anh đi làm về lại lao vào nựng con, nhưng không dám ôm con vì chưa kịp thay đồ bảo hộ lao động.

Có lần, chị cảm thấy mủi lòng khi anh hỏi chị như thời chị bắt đầu đi học đại học: “Anh là người thợ, còn em là giáo viên. Em có cảm thấy chênh lệch quá không?’. Chị lại nắm tay anh lần nữa, lần này cũng như hơn 10 năm trước, anh và chị lại cách xa nhau vời vợi và đằng đẵng. Chị chỉ mong dịch bệnh mong chóng được kiểm soát, anh lại về với mẹ con chị.