Kinhtedothi - Theo Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quỹ đất ở đô thị và nông thôn của TP đến năm 2015 tăng thêm 2.318,18ha; mục tiêu này đặt ra cho năm 2020 là 3.837,8ha và năm 2030 là 5.534,2ha. Chương trình cũng nêu rõ việc dành tỷ lệ đất hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu trong từng giai đoạn và phát triển ổn định thị trường bất động sản.
Đặt mục tiêu cho từng “mảng” nhà ở
Chương trình đặt ra chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn TP đến năm 2015 là 23,1m2/người (diện tích nhà ở tối thiểu 6,6m2/người). Trong đó, khu vực đô thị 26,6m2/người; khu vực nông thôn 20m2/người. Nâng tỷ lệ nhà kiên cố toàn TP lên thành 89,7%, tỷ lệ này của năm 2011 là 88,6%; giảm tỷ lệ nhà ở đơn sơ xuống còn 0,05%. Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển đô thị được đặt mục tiêu 80% cho năm 2015 và sẽ tăng lên 90% đến năm 2030. Tương tự về mốc thời gian, tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội tăng từ 20% lên 30%.
Trong các loại hình nhà ở, việc phát triển nhà ở xã hội được Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể. Trong đó, đầu tư xây dựng khoảng 540.000m2 sàn, đáp ứng 41.000 chỗ ở cho sinh viên. Đầu tư xây dựng khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn đáp ứng chỗ ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao… Khoảng 1,8 triệu mét vuông sàn, tương đương 20.000 căn hộ nhà ở xã hội được dành cho người có công; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan đảng, đoàn thể hưởng lương từ ngân sách, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ nghèo tại đô thị, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi độc thân và đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần đầu tư xây dựng, bao gồm cả hình thức mua nhà ở thương mại, khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn căn hộ để bố trí tái định cư khoảng 20.000 hộ dân. Đồng thời hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2 theo chuẩn nghèo mới.
Thông qua Chương trình, Chính phủ tiếp tục giữ quan điểm tạm dừng phát triển nhà ở thương mại trong khu vực nội đô lịch sử đối với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án.
Vận động người dân thay đổi quan niệm về nhà ở
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận cho phép đầu tư và số liệu tồn kho bất động sản, xác định các dự án phải điều chỉnh, dừng, tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai. Không cho phép triển khai các dự án không tuân thủ pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, không phù hợp quy hoạch, kết hoạch phát triển nhà ở của TP và không có đủ điều kiện hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị. Chính phủ cũng yêu cầu TP kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát quỹ đất 20% tại các khu đô thị, có biện pháp đảm bảo các dự án được triển khai đồng bộ từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội.
Để thực hiện được Chương trình nhà ở, chậm nhất vào quý IV/2014, TP phải hoàn thành việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
Cùng với việc ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Chương trình phát triển nhà ở cũng đặt ra yêu cầu với chính quyền trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp dân cư thay đổi phương thức, tập quán từ sở hữu chuyển sang hình thức thuê nhà, từ hình thức nhà ở riêng lẻ chuyển sang căn hộ chung cư để phù hợp với điều kiện thu nhập.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm được đưa vào sử dụng đã giải quyết được một phần khó khăn về nhà ở cho người dân. Ảnh: Hải Linh.
|