Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tấm lòng hảo tâm và bài toán thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn lũ trái mùa tháng 3 đã khiến hàng chục héc ta dưa hấu ở Quảng Nam bị ngập nước. Dưa hư hỏng, thương lái lại ép giá xuống còn 1.000 - 1.500 đồng/kg, xe chở dưa nối hàng dài tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến nhiều hộ nông dân đứng trước nguy cơ trắng tay.

Đó là những sự kiện không phải diễn ra trong những ngày qua mà đã tồn tại từ nhiều năm nay tiếp tục là vấn đề đặt ra cho bài toán quy hoạch, trồng và bao tiêu sản phẩm nông sản.

Trước tình cảnh nhiều hộ nông dân nhìn ruộng dưa bao công sức, tiền của bị hỏng, phải đổ đi trong khi nhu cầu thị trường trong nước lại rất lớn, các nhóm tình nguyện đã tổ chức và kêu gọi mọi người trên các mạng xã hội chung tay giúp đỡ mua dưa ủng hộ. Ngay lập tức, thông tin này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người.

Mỗi trái dưa một tấm lòng

Tại điểm tập kết dưa từ Quảng Nam ra tại số 11 Nguyễn Xiển, Hà Nội, anh Đặng Như Quỳnh đang kinh doanh nhập khẩu ô tô chia sẻ, xuất phát từ việc nhóm bạn đi chơi trong Quảng Nam, chứng kiến cảnh người nông dân ở đây có nguy cơ mất trắng vì diện tích trồng dưa chìm trong ngập lụt, cũng như biết được nhiều hộ nông dân bị tiểu thương ép giá nên đã kêu gọi bạn bè lập đội thiện nguyện tổ chức thu mua dưa cho nông dân với giá 3.000 đồng/kg, bán ra thị trường chỉ 5.000 đồng/kg. Nhằm hỗ trợ và tiêu thụ được nhiều dưa nhất cho nông dân, những ngày qua, anh Quỳnh và một số người bạn trở thành nhà phân phối dưa bất đắc dĩ. “Lúc mới triển khai, chỉ dám thu mua 14,7 tấn, nhưng do nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký mua ủng hộ, đến bây giờ, số lượng dưa chuyển ra đây và bán hết lên đến cả 100 tấn. Điều này chứng tỏ, nếu biết khơi gợi tốt, động viên tinh thần đúng và quảng bá để người tiêu dùng ủng hộ, sử dụng các sản phẩm trong nước thì bà con nông dân bớt phải lo đến tiêu thụ” – anh Quỳnh cho biết thêm.
Các tình nguyện viên vận chuyển dưa từ trên xe xuống
Các tình nguyện viên vận chuyển dưa từ trên xe xuống
Còn theo lái xe Lê Viết Thẩn, nhận chở 20 tấn dưa lên cửa khẩu Tân Thanh nhưng khi biết thông tin thị trường Hà Nội đang cần gấp, nên anh đã quyết định chở thẳng ra đây. Anh Thẩn cũng chia sẻ, các nhóm thiện nguyện đứng ra bao tiêu cho bà con là việc làm hết sức có ý nghĩa, giúp đỡ bà con nông dân đang trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Vừa bốc xếp dưa trên xe xuống, sinh viên Võ Thị Hoài (ĐH Bách Khoa) cho biết, khi nhận được lời kêu gọi và được bạn rủ, em đã thu xếp để tham gia tình nguyện. Tuy những ngày qua, công việc nhiều, mệt, nhưng cảm thấy vui vì mình đang làm một việc có ý nghĩa.

Chị Đinh Thị Duyên - nhân viên GPBank cho biết, sau khi biết thông tin, Ngân hàng phát động đến toàn thể CBCNV mua 120kg vừa để ủng hộ, cũng là để khuyến khích tinh thần tương thân, tương ái, ưu tiên dùng hàng trong nước. Còn anh Nguyễn Xuân Hiển - nhân viên văn phòng Công ty Bảo hiểm hàng không cho biết, 33 người trong văn phòng đã quyên góp tiền mua dưa ủng hộ. Tuy nhiên, dù đã gọi điện đặt hàng từ trước nhưng đến bây giờ vẫn chưa mua được vì quá đông người đặt mua.

Thông điệp “Mỗi trái dưa là một tấm lòng” thực sự là một lời kêu gọi ý nghĩa, đồng thời cũng là dịp khẳng định tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam.

Cần chiến lược lâu dài

Dù những tấm lòng thiện nguyện trên là rất đáng quý và trân trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động bộc phát, điều quan trọng hơn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý... là tìm những chiến lược, giải pháp lâu dài để giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Thực tế cho thấy, việc các nhóm thiện nguyện kêu gọi, tổ chức bán dưa cho bà con nông dân, giải quyết một phần tình trạng ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh đã đặt ra nhiều vấn đề bởi đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này. Thông tin những ngày qua cho thấy, Công đoàn ngành Công Thương cũng đứng ra kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ cùng mua hàng chục tấn dưa hấu ủng hộ. Tuy nhiên, thay vì việc làm đó, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Hải quan để có thể ký với phía Trung Quốc hiệp định về xuất khẩu biên mậu, tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh chóng. Nếu hàng hóa bị ứ đọng, Bộ cũng cần thông báo tới các địa phương có sản phẩm xuất khẩu, khuyến cáo người dân không tiếp tục mang hàng lên cửa khẩu. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt khâu phân phối ở thị trường nội địa…

Từ việc quả dưa hấu được nhiều tấm lòng hảo tâm mua ủng hộ, đến việc dưa hấu cứ đến hẹn lại lên “được mùa rớt giá” cho thấy, với chức năng, nhiệm vụ bình ổn giá, nhưng hệ thống các DN phân phối lớn lại đang đứng ngoài cuộc. Rõ ràng, để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, rất cần có quy hoạch sản xuất dài hạn, đồng thời hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách như cho vay ưu đãi đối với các DN tự nguyện tham gia chuỗi liên kết, từ đó, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ người sản xuất, các DN phân phối lớn và bán đến tay người tiêu dùng…