Tâm lý “xả hơi” sau giãn cách xã hội: Vui thôi, đừng vui quá

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những quán nhậu, bia hơi đông nghẹt người là hình ảnh không khó thấy ở phố phường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong những ngày qua khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Chính tâm lý “xả hơi” sau thời gian cách ly phòng dịch cũng khiến nhiều người dân lơ là luôn cả quy định không uống bia rượu khi lái xe.

 Quán bia tràn xuống lòng hồ sau giãn cách xã hội. Ảnh: TPO.
Mặc dù Chính phủ vẫn đang yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng Covid-19, trong đó cấm tụ tập quá 30 người tại nơi công cộng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều quán bia đang hoạt động hết công suất, thậm chí bày bàn ghế cho khách ngồi tràn lan trên vỉa hè. Ăn uống là việc không ai cấm, nhưng chính tâm lý người dân có phần chủ quan hơn với các quy định về an toàn giao thông, trong đó có việc không lái xe sau khi uống rượu bia, thậm chí cho rằng lực lượng chức năng sẽ hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nên không ít người uống xong vẫn lái xe có chiều hướng tăng lên. Vô tình hoặc cố ý, họ đã quên đi tinh thần của Nghị định 100.
Theo những con số lực lượng cảnh sát giao thông đã công bố đợt nghỉ lễ vừa qua, cả nước vẫn có 79 người chết vì tai nạn giao thông; gần 61% số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển xe mô tô và nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của người điều khiển, trong đó riêng lỗi sử dụng rượu bia đã có tới hơn 1.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Các chuyên gia y tế cũng cho biết thời gian gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông do bia rượu có giảm nhưng nhiều ca tai nạn nặng do uống rượu bia vẫn còn... Chính sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm này mà nhiều người đã gây tai nạn cho chính mình và cho người đi đường, làm tổn hại đến cộng đồng xã hội…
Thực tế, các đơn vị chức năng, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vẫn thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát, bố trí điều tiết, phòng chống đua xe, xử lý vi phạm nồng độ cồn... Nhưng cùng với việc tăng cường việc kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định, bản thân mỗi người cũng cần ghi nhớ, đừng “vô tình” hoặc “cố tình” quên các quy định.
Còn nhớ cách đây ít lâu, khi chính sách mới này lần đầu được thực thi đã nhanh chóng có hiệu quả, tác động tích cực và được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, văn hóa uống rượu sẽ ít nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không chỉ tình trạng tai nạn giao thông giảm, năng suất lao động trong khu vực công cũng tăng cao hơn do hạn chế được tình trạng rượu bia buổi trưa, ảnh hưởng đến chất lượng công việc buổi chiều. Những hình ảnh phản cảm nơi công sở như cán bộ, công chức, viên chức mặt đỏ tưng bừng vì uống rượu, bia nhưng vẫn thực thi công vụ chắc chắn cũng giảm mạnh.
Trong thời điểm hiện nay, khi các biện pháp phòng dịch vẫn cần được lưu tâm, việc thực hiện nghiêm quy định của Nghị định 100 càng cần được lưu tâm hơn nữa. Không chỉ ở việc tránh tụ tập đông người, gây ra những hệ lụy trong giao thông, đây cũng là dịp để mỗi người tự tạo nên một nếp sống mới, tránh quay trở lại thói quen tưởng chừng như đã được xóa bỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần