Hơn 300 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị này. Hơn 70 báo cáo khoa học cũng được công bố tại Hội nghị. Đáng nói, Ban tổ chức đã mời được 34 nhà khoa học đến từ các quốc gia có nền thể thao phát triển mạnh như: Trung Quốc (5 người), Mông Cổ (3 người), Hàn Quốc (2 người), Thái Lan (4 người), Singapore (3 người), Malaysia (3 người)... đến công bố những công trình của mình. Qua Hội nghị này, những người làm thể thao Việt Nam (TTVN) hy vọng sẽ có được tầm nhìn đến Olympic.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.Ảnh: Quang Thắng
Sở dĩ TTVN cần hướng đến tầm nhìn Olympic là bởi, chúng ta đã bước qua giai đoạn "đi tắt đón đầu". Cách đây hơn 10 năm, để chuẩn bị cho SEA Games 22, TTVN đã thực hiện chiến lược này. Với hướng đi đó, TTVN đã có được chỗ đứng trên đấu trường khu vực, nhưng để vươn đến tầm châu lục, thế giới, vẫn còn một khoảng cách xa. Đặc biệt, TTVN vẫn còn yếu ở những môn thể thao bản lề Olympic.
Ngoài các báo cáo trong nội dung chương trình chính, Hội nghị sẽ có 4 chương trình phụ về các vấn đề: Quản lý thể thao, Huấn luyện thể thao, Y sinh học thể thao và Phát triển thể thao nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu về sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và công tác huấn luyện thể dục thể thao.
Vì thế, mục tiêu của những nhà hoạch định chiến lược cho TTVN là sau Hội thảo lần này sẽ có được cái nhìn tổng thể, vận dụng thành công những ứng dụng khoa học vào thực tiễn huấn luyện. Theo đó, TTVN sẽ hướng đến Olympic 2014 với những mục tiêu táo bạo hơn. Hướng đến Olympic dựa trên những thành tựu của công tác nghiên cứu khoa học cũng là cách nhanh nhất để TTVN chuẩn bị cho ASIAD 2019 trên sân nhà. Bởi, hơn lúc nào hết, TTVN cần có được sự ứng dụng về khoa khọc để giúp công tác huấn luyện đạt kết quả cao. Và quan trọng hơn cả, tận dụng được sự phát triển của khoa học và kinh nghiệm từ những nền thể thao phát triển, TTVN sẽ định hình một tầm nhìn cho chính mình.