Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm thế đại biểu của dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những đánh giá toàn diện, đa chiều, đầy đủ về những thành tựu, dấu ấn nổi bật 5 năm qua của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là những trăn trở, ưu tư sau một nhiệm kỳ Khóa XIII.

Đó là những điều đọng lại sau phiên thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội ngày hôm qua. Như một ĐB đã nói, đó chính là những góp ý vô cùng quý báu để nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, xứng đáng hơn với cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

Đúng như nhiều ĐB đã nhận xét, ấn tượng mạnh mẽ về một nhiệm kỳ Khóa XIII chính là sự đổi mới đồng bộ, toàn diện, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân trên cả 3 mặt công tác lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề nổi bật của đất nước. Dấu ấn lớn nhất chính là bản Hiến pháp 2013 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đặc biệt đề cao quyền con người, quyền công dân và tính thượng tôn pháp luật. Và hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. ĐB Trần Du Lịch đã phân tích 4 cái “hơn” trong đánh giá về Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII là: Đổi mới mạnh mẽ hơn; Dân chủ hơn trong thảo luận và ra quyết sách; Trách nhiệm hơn và được cử tri tín nhiệm nhiều hơn.

Cũng bởi những cái hơn ấy, mà cử tri đều đồng tình rằng, hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân và vì Nhân dân đã được thể hiện đậm nét trong cả nhiệm kỳ. Mỗi ĐB Quốc hội luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết đưa đất nước hướng đến phồn vinh, đưa chất lượng kỳ họp ngày càng nâng lên, để lại âm hưởng khó quên trong lòng Nhân dân. Nhưng như một ĐB đã nhận xét: Điều quan trọng hơn là ĐB Quốc hội có theo kịp được sự phát triển của đất nước, với nhu cầu của đời sống và với nguyện vọng của dân không? Thước đo ấy mới là quan trọng.

Bởi thế, vẫn còn rất nhiều những trăn trở, suy nghĩ về những điều “chưa được như mong muốn” của Quốc hội, ĐB Quốc hội được chính những người trong cuộc đưa ra như một lời nhắn gửi cho nhiệm kỳ sau. Như về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng chưa thực hiện hết quyền của Quốc hội, công tác giám sát chống tham nhũng chưa cao, công tác làm luật còn thiếu tập trung, chắp vá, một số đạo luật còn chưa đi vào thực tế. Quốc hội cần có chế tài xử lý cơ quan xây dựng và thẩm tra luật nếu dự án luật đó không đi vào cuộc sống. Có ý kiến thì mong muốn, Quốc hội phải hướng đến chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng vẫn còn ĐB chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của Nhân dân. Từ thực tế ấy, ĐB mong muốn, Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu chọn ĐB Quốc hội chuyên trách xứng tâm, xứng tầm để Quốc hội đổi mới thực sự hơn. Như một gửi gắm đầy tâm tư của ĐB Huỳnh Nghĩa: “Quốc hội nhiệm kỳ mới vẫn còn nặng nợ với cử tri, sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng công bằng và độ lượng, tin tưởng mỗi ĐB Quốc hội sẽ tự mình vươn lên vì một Quốc hội của dân, do dân và vì dân”.

“Sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều nợ dân, nợ nước”. Với tâm thế ấy, khép lại một nhiệm kỳ, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới, mong muốn của các ĐB rằng, những trăn trở, âu lo cần phải được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết của nhiệm kỳ này và mặc dù nó chỉ còn ý nghĩa để chúng ta bàn giao lại cho Quốc hội khóa sau, âu cũng là một đổi mới kế tục của Quốc hội. Để ĐB Quốc hội thực sự là người đại diện cho dân, làm được những gì cử tri mong muốn và gửi gắm.