Tâm và tầm của người thầy

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến ngày 23/8, tất cả học sinh các cấp của Hà Nội đã chính thức tựu trường, bắt đầu năm học mới 2019 - 2020.

Cùng với không khí háo hức, rộn ràng chào đón năm học mới, đây đó vẫn còn những nỗi lo không đáng có theo kiểu đến hẹn lại lên mỗi mùa khai trường.
Công bằng mà nói, thời gian qua ngành GD&ĐT, từ T.Ư đến các địa phương cũng đã nhận thức được tình trạng đáng lo ngại nói trên và đã có giải pháp ngăn ngừa, xử lý. Trong công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, TP về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Giám đốc các sở chỉ đạo các trường đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành, không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học mới, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu.
Tương tự, ngày 19/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn gửi các phòng GD&ĐT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường trực thuộc lưu ý thực hiện các chỉ đạo của Bộ. Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết sẽ xử lí nghiêm các trường học để xảy ra lạm thu và tùy tiện tăng học phí, không bỏ qua bất kỳ trường hợp nào.
Một công việc khác cũng dễ xảy ra hiện tượng trục lợi, đó là thực hiện quy định mua và mặc đồng phục học sinh của các trường. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới mà chỉ yêu cầu học sinh mặc sạch sẽ, gọn gàng, không để học sinh vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường. Phụ huynh có thể chủ động mua đồng phục cho con em mình theo mẫu mà nhà trường cung cấp.
Có thể nói, qua những ý kiến chỉ đạo trong các văn bản của Bộ GD&ĐT cũng như sở GD&ĐT các địa phương trong đó có Hà Nội, những vấn đề khiến xã hội quan tâm mỗi mùa khai giảng như tệ lạm thu, thiếu sách giáo khoa, ép học sinh mua đồng phục, an toàn trường học, an toàn giao thông khi đưa đón học sinh… đều đã được đề cập và có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể, nghiêm túc.
Một điều đáng chú ý là trong các văn bản của Bộ cũng như của các địa phương trong đó có
Hà Nội đều nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các trường học, cơ sở giáo dục các cấp học nếu để xảy ra sai phạm trong phạm vi đơn vị mình phụ trách.
Ở một góc độ khác, về tình trạng lạm thu cũng như một số hiện tượng tiêu cực xảy ra khi vào năm học mới, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội đã có bài phản ánh, đặc biệt là phân tích rõ vai trò có tính chất quyết định của người đứng đầu trong việc ngăn chặn tình trạng nói trên.
Dù đứng dưới góc độ nào thì người đứng đầu, mà cụ thể ở đây là hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường đều phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong đơn vị mình.
Như vậy là đã rõ. Có hay không việc lạm thu cũng như các hành vi trục lợi trong mỗi nhà trường, phụ thuộc phần lớn vào thái độ, cách hành xử của người đứng đầu. Vẫn biết là với cương vị người đứng đầu đơn vị có muôn vàn trách nhiệm, nỗi lo, trong đó có việc bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, một hiệu trưởng, một người thày có tâm, có tầm ắt sẽ không cho phép và không để những sai phạm xảy ra trong đơn vị mình phụ trách.
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của ngành GD&ĐT và các cơ quan chức năng hữu quan, với ý thức trách nhiệm và lương tâm của những người thầy, những sự việc đáng buồn sẽ không còn xảy ra, để ngày khai giảng năm học mới thực sự là ngày hội đến trường của con trẻ cũng như toàn xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần