Tân Dân giàu lên nhờ nghề truyền thống

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ phát triển nghề mộc truyền thống, nhiều gia đình ở xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Nghề mộc cũng đang đem lại nguồn thu chính cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội nơi đây.

Nghề mộc góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Tân Dân. Ảnh: Phương Nga
Thu nhập ổn định
Về Tân Dân, dọc hai bên đường vào xã là hình ảnh những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát mọc lên. Cùng với đó là những cửa hàng với biển hiệu “đồ gỗ mỹ nghệ” dày đặc, tạo nên dãy phố buôn bán sầm uất. Trong căn nhà 5 tầng khang trang của gia đình, anh Phan Văn Túc, thôn Đại Nghiệp dành cả tầng 1 làm nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm. Theo chia sẻ của anh Túc, tính đến nay gia đình anh đã vào nghề mộc được xấp xỉ 20 năm. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh Túc vẫn luôn tin tưởng rằng, kinh tế gia đình có được như ngày hôm nay đều là nhờ nghề mộc truyền thống. “Doanh thu của xưởng nhà tôi có tháng lên tới vài ba tỷ đồng nhưng cũng có tháng chỉ được một vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm gia đình cũng để ra được xấp xỉ 1 tỷ đồng” – anh Túc chia sẻ.

Ngay bên cạnh nhà anh Túc là cơ sở mộc Oanh Khoa rộng 300m2. Để duy trì hoạt động, chủ cơ sở phải thuê gần 20 công nhân, với mức lương trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/tháng cho thợ phụ, đối với thợ chính có mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở mộc Oanh Khoa có doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được trên dưới 50 triệu đồng/tháng. “Nói thành công thì chưa dám khẳng định, nhưng hiện tại nghề mộc mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác tại địa phương” – chị Oanh, chủ cơ sở mộc Oanh Khoa cho hay.

Giải bài toán mặt bằng sản xuất

Hiện nay, toàn xã Tân Dân có 7 thôn thì cả 7 thôn đều làm nghề mộc, với khoảng 2.500 hộ và đã được công nhận làng nghề. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại đồ gỗ cao cấp như sập, tủ thờ, tranh, bàn, ghế… với những đường nét, hoa văn chạm trổ tinh xảo gắn với các tích truyện dân gian. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm chủ yếu là gỗ gụ, gỗ hương, ngoài ra còn có các loại gỗ mới nhập khẩu từ Lào, Campuchia… Với sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, những sản phẩm gỗ gia dụng của người dân làng nghề Tân Dân đã và đang chiếm lĩnh thị trường tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những sản phẩm tinh xảo, chất lượng còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Phan Văn Tiên cho biết: Thu nhập từ những cơ sở làm nghề mộc rất khá, với những cơ sở kinh doanh lớn có thể có thu nhập vài tỷ đồng/năm, còn mức thu nhập 300 – 500 triệu đồng/năm từ nghề mộc là phổ biến. Hiện nay, nghề mộc đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã. Tuy nhiên, hiện nay người sản xuất tại đây vẫn đang gặp khó vì thiếu mặt bằng sản xuất. Hầu hết các hộ đều tận dụng không gian sinh hoạt làm nơi sản xuất nên rất khó mở rộng diện tích. Cũng vì không có mặt bằng nên nhiều hộ phải tập kết nguyên liệu tràn ra đường giao thông trong thôn, xã… việc này ảnh hưởng tới đi lại của người dân. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng đang là vấn đề nan giải ở nơi đây. “Địa phương đã có dự án xây dựng khu công nghiệp làng nghề rộng 5ha và chợ nguyên liệu gỗ 7.000m2. Trong năm 2019, chính quyền địa phương sẽ tham mưu với huyện và cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần giải quyết bài toán mặt bằng sản xuất cho làng nghề” – ông Tiên khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần