Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tận dụng những cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng đầu tư ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn là một điều dễ nhận thấy trên thị trường Việt Nam thời gian gần đây, khi mà thời điểm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng đến gần.

 Tuy nhiên, làm thế nào để Việt Nam tận dụng tối đa những lợi thế từ Cộng đồng này từ năm 2015? Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nippon Express Việt Nam - Atsushi Nagashima nhận định: Dù đã được cải thiện song hạ tầng GTVT tại Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều yếu kém so với các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực hải quan, hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) mới chính thức được triển khai từ tháng 4/2014, đôi khi hàng hóa bị chậm giải phóng do doanh nghiệp (DN) mất thời gian đóng thuế. Rắc rối còn do, cán bộ hải quan nhiều khi vẫn đề nghị nộp chứng từ gốc, trong khi hệ thống VNACCS không liên kết với ngân hàng, khiến thủ tục thông quan chưa được đơn giản hóa.

Bà Bùi Thị Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Ngọc Hà phản ánh: Phần lớn khách hàng muốn mua sản phẩm chất lượng cao với mức giá rẻ, nhưng khó có DN trong nước nào đáp ứng được, nên Công ty phải tìm kiếm nguồn hàng tin cậy từ nước ngoài. Với việc phải nhập khẩu, đôi khi hàng hóa bị chậm do vận tải biển và thủ tục thông quan phức tạp. Bên cạnh đó, "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi chuyển hàng từ các trung tâm cung ứng tới các tỉnh, TP có chi nhánh. Chẳng hạn, vận chuyển bằng xe tải từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh mất ít nhất 4 ngày. Tuyến Quốc lộ 1A đang được sửa chữa, nên hàng hóa bị chậm trễ, phí vận chuyển cao. Trong khi, vận tải đường sắt cũng chưa hiệu quả, thậm chí, có khi có chi phí còn cao hơn đường bộ và cao hơn nhiều so với vận tải thủy" - bà Ngọc bức xúc.

Tại Hội thảo "Nâng cao vị thế của Việt Nam hướng về Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và sau 2015" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội, ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam nhận xét: "Việt Nam rất thiếu chương trình hỗ trợ xây dựng nâng cao năng lực, tài chính. Còn rất nhiều việc phải làm, trong khi nguồn ngân sách có hạn, nên rất cần xây dựng những chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này".

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, trong khi Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong việc giảm thiểu tối đa các chi phí, thủ tục cho DN thì DN nên "học cách quản lý sự không chắc chắn". Hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ có thể giảm thiểu rủi ro từ thị trường (như bảo hiểm…), phản ứng phù hợp với các cú "sốc" thị trường. Đồng thời, DN nên tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên các cam kết và lợi thế so sánh, "len" vào thị trường ngách hoặc "chơi" với những DN tiên phong…