Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2013 hầu hết các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm sức mua và tăng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu…
Mặc dù đây là những khó khăn không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu nhưng trong tháng 3/2013, kim ngạch XK của cả nước ước đạt 11 tỷ USD, tăng gần 54% so với tháng 2, đưa kim ngạch XK của cả nước trong quý I/2013 đạt gần 29,7 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng XK 10% trong năm 2013, DN tham gia hoạt động XK cần tận dụng từng cơ hội nhỏ từ các thị trường.
Sản xuất tôm xuất khẩu.Ảnh: Minh Ngọc
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng, trước đây Nhật Bản luôn tự kiểm tra và quyết định chất lượng thủy sản và thực phẩm, nhưng từ 15/3, nước này đã chấp nhận các phòng kiểm nghiệm chất lượng của Việt Nam. Ngoài ra, theo Hiệp định thương mại Việt - Nhật (VJEPA), Nhật Bản sẽ giảm thuế cho các hàng nông, thủy sản theo lộ trình. Tại thị trường Australia cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, may mặc, đồ gỗ, thủy sản… Đây là điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam đẩy mạnh XK sang các thị trường này.
Myanmar cũng là thị trường thu hút sự quan tâm của nhiều DN, bởi nước này mới mở cửa kinh tế, khoảng trống thị trường còn rất lớn. Hàng Việt Nam rất được người Myanmar chuộng vì chất lượng tốt và giá rẻ,… Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với Myanmar chỉ chiếm 1% nên dư địa gia tăng giá trị XK còn rất nhiều. Bên cạnh đó, Myanmar sẽ có những ưu đãi về thuế cho các sản phẩm của DN Việt Nam do cùng thuộc Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mekong…
Thị trường xuất khẩu khó khăn, tuy nhiên việc khẳng định hàng XK Việt Nam được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh,… là những điều kiện rất cần DN quan tâm để từ đó tăng sự tin tưởng của đối tác, tìm được cho mình chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.