Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tản mạn cùng World Cup

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng là chẳng cần phải ở Rio de Janeiro mới có cơ hội kiếm tiền nhờ ăn theo World Cup mà ngay tại Hà Nội, người ta cũng coi đây là dịp kiếm bộn tiền.

 Các trung tâm điện máy có dịp "xả" hàng, từ cũ đến mới, từ bán đến cho thuê tivi. Nhiều quán bia, cà phê cũng mạnh dạn đầu tư máy chiếu, tivi màn hình lớn để "câu" khách. Các nhóm fan hâm mộ cũng đã lên kế hoạch, địa điểm "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" cùng nhau trong suốt một tháng trời sắp tới… Trong không khí hừng hực "mùa hè… Brazil" này, tôi lại chợt nhớ tới những kỷ niệm thời chập chững biết đến trái bóng tròn…

World Cup xưa

…Vào! Vào rồi! Cùng với đó là tiếng cười hả hê, sung sướng, tiếng xoong chảo gõ ầm ĩ, náo động cả xóm nghèo. Tôi ghếch đầu lên đùi bố đón ngọn gió phe phẩy từ chiếc quạt mo cau, thích thú nghe người lớn hò hét. Thỉnh thoảng có người vỗ đùi đét cái rõ to: "Ui giời, cái thằng Maradona đá hay quá là hay, đi bóng như diễn xiếc". Ấy là mùa hè năm 1986 - Worl Cup đầu tiên của tôi.
Nguồn Internet
Nguồn Internet
4 năm sau, bố con tôi không còn phải đi xem nhờ nữa, mà đã có hẳn một cái tivi đen trắng to oạch kê ở giữa sân để mời mấy bác, mấy chú hàng xóm sang xem cùng. Cái tivi "màn hình khủng" thật, nhưng mỗi lần khởi động phải mất đến mấy phút mới lên hình, thỉnh thoảng lại phải ra xoay cột ăng - ten cho đỡ nhập nhằng tín hiệu. Ấy là còn chưa kể đến vì chỉ có hai màu đen trắng nên có hôm hai đội tuyển mặc áo màu xanh và da cam, khi lên tivi chỉ thấy toàn cầu thủ mặc áo đen, phải căng mắt ra xem kẻo cổ vũ nhầm!...

Trước mỗi trận đấu, mẹ tôi đều chuẩn bị một rổ lạc luộc hoặc nồi chè đỗ đen để bồi bổ sức khỏe cho các "cổ động viên", dù không quên cằn nhằn: "Chả hiểu báu bở gì mà mấy chục ông tranh nhau một quả bóng, cứ sắm cho mỗi ông một quả, thế là xong". Lũ trẻ chúng tôi là sướng nhất, vì được thức khuya thoải mái mà không ai mắng mỏ, được ăn uống thỏa thích và nhất là được xem đá bóng đã cả mắt. Bởi lúc ấy, có tivi mà xem đã là xa xỉ lắm rồi, nói gì đến bóng đá, họa hoằn lắm, năm trời mới có một trận được chiếu trên truyền hình. Sách báo, thông tin về bóng đá cũng thế, nhất là ở vùng ngoại ô còn nghèo ơi là nghèo. Thằng bạn có chú ở Tiệp Khắc về, cho một tờ lịch thi đấu có in hình các đội tuyển bằng ảnh màu là oách lắm, ai chơi thân lắm, quý lắm mới cho ngó xem tý. Vậy mà tên cầu thủ cứ đọc vanh vách, rồi tranh nhau thần tượng: "Tao thích anh Maradona rồi, chúng mày không được thích nữa, chọn anh khác đi". Tôi thấp bé, nhẹ cân hơn, đành phải chọn một cái tên "tàm tạm" là Van Basten của đội tuyển Hà Lan. Vậy mà năm ấy, khi Hà Lan bị loại vì thua đội CHLB Đức, đội tuyển "Liên Xô anh em" thì thất thủ ngay từ vòng loại, tôi cứ buồn mãi.
Tản mạn cùng World Cup - Ảnh 1
World Cup 1990 trong tôi gắn với kỷ niệm hì hục chép kín cả nửa quyển vở tên cầu thủ nước ngoài và cả phiên âm tiếng Việt của bài hát "Mùa hè Italy 90". Bố mẹ kiểm tra, tôi chống chế là đang học tiếng Anh, nên còn được khen nức nở. Chỉ đến khi ông anh trai phát hiện và tố cáo, tôi mới bị một trận đòn đau cộng với hình phạt cấm xem tivi trong vòng một tháng. Thế mà chẳng hiểu sao, tình yêu bóng đá vẫn hừng hực cả thời con trẻ.

Thi đỗ đại học, tôi thích nhất hai điều: Được đá bóng và xem bóng đá thoải mái, không bị ai cấm đoán, kiểm soát nữa. Lúc ấy, kinh tế đã phát triển hơn, tivi cũng nhiều lắm. Nhưng, với đám sinh viên ngoại tỉnh như chúng tôi, tivi vẫn là một món đồ xa xỉ. France 98 là những đêm lẻn ra ngoài Ký túc xá. Có tiền thì vào ăn chè, xem bóng đá trên phố Lương Thế Vinh, hết tiền đành phải đứng tận bên đường xem cầu thủ chạy trên màn hình bé chỉ bằng con kiến. Về sau, một cậu bạn cùng lớp biết chuyện, thương quá mới rủ về phòng trọ xem cùng. Phòng trọ trên tầng 2, đối diện đến vài chục mét là một nhà giàu có chiếc tivi to đùng. "Cái khó ló cái khôn", cứ đến giờ tường thuật là cậu bạn mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe giọng bình luận sang sảng của bác Đình Khải, còn xem hình bên nhà hàng xóm. Vẫn thấy hay và cuốn hút thế!

World Cup nay

Bây giờ, World Cup thì sướng quá rồi. Màn hình LED, full HD chưa đã, phải là 4K, rồi màn hình cong như cánh diều với hàng triệu triệu điểm ảnh, để người xem như được ngồi ở giữa sân Arena de Sao Paulo nghe khán giả vỗ tay rào rào, còn trái bóng Brazuca bay vèo vèo qua mặt. Thế mới đã (!) Thời đại công nghệ, truyền thông nên những thông tin bên lề của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cũng được cập nhập liên tục từ tiến độ các sân vận động, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tình hình thời tiết đến khả năng hồi phục chấn thương của các danh thủ. Tình yêu bóng đá càng đến gần ngày khai cuộc càng được hâm nóng. Đài Truyền hình Việt Nam rồi hàng loạt cơ quan báo chí đều cử người sang tận Brazil để phản ánh, truyền lửa kịp thời về cho khán giả nhà.
Khách hàng lựa chọn mua tivi tại siêu thị điện máy. Ảnh: Ngọc Lê
Khách hàng lựa chọn mua tivi tại siêu thị điện máy. Ảnh: Ngọc Lê
Ngày trước vì điều kiện không có nên mọi người thường đổ dồn sang nhà hàng xóm xem nhờ. Bây giờ, ở nhà màn hình to đùng, máy lạnh chạy mát rượi, nhưng nhiều người lại thích rủ nhau ra những quán cà phê vỉa hè để được xem, bình luận, hò hét thoải mái. Mỗi đội tuyển có đông cổ động viên như Argentina, Hà Lan hay Tây Ban Nha  cũng thường tụ nhau lại một chỗ, cùng chia nhau niềm phấn khích. Chả thế mà đi qua những quán cà phê, quán bia, quán nhậu bây giờ đều thấy rộn ràng băng zôn "Uống 2 tặng 1 mừng World Cup". Anh bạn tôi là chủ quán cà phê trên phố Hồ Đắc Di, mới rồi cũng đã lắp đặt thêm máy chiếu kích thước 300inch. Theo anh, máy chiếu thường rẻ hơn tivi LCD, LED cỡ lớn. Mặt khác, sản phẩm này tiện dụng, dễ di dời, dễ phóng to, thu nhỏ, chất lượng hình ảnh tốt. Với chiếc máy chiếu mới, anh hy vọng, mùa World Cup năm nay sẽ là mùa bội thu của quán.
Các trung tâm điện máy đi đầu trong lĩnh vực này, thậm chí có nơi còn mở hẳn dịch vụ cho thuê tivi hàng chục inch với giá vài trăm ngàn/ngày, phục vụ những tín đồ cuồng nhiệt. Điều này đánh đúng vào thị hiếu của giới sinh viên và những người lao động thu nhập thấp, dù ít tiền vẫn có mùa World Cup thật đã mắt. Rồi trên các tuyến phố Trịnh Hoài Đức, Hàng Bông, Hàng Đào… các chủ hàng bán quần áo thể thao cũng hốt bạc nhờ lượng khách cả Tây lẫn ta ngày càng tăng dần, nhất là những đội bóng được nhiều fan Việt yêu thích như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brazil…

Tinh thần hào hứng của tôi có lặng lại đôi chút khi hôm rồi ngồi uống nước chè, nói chuyện phiếm với một anh làm nghề bốc vác thuê ở chợ trái cây Long Biên. Nghe tôi hỏi việc phải thức suốt đêm để bốc vác, chắc sẽ không bỏ qua trận nào của World Cup, anh ngớ người hỏi lại: "World Cup là cái gì vậy?". Phải đến khi chúng tôi nhắc đến hai từ bóng đá thì anh mới ồ lên, "thích chứ, nhưng chả có thời gian, với sức lực đâu mà xem". Với anh, khái niệm World Cup là một cái gì đó rất xa vời, phải xếp sau nhiều mối quan tâm khác như tối nay bốc được bao nhiêu hàng, kiếm được bao nhiêu tiền để sắp tới đóng tiền nhà, rồi gửi về cho vợ nuôi con ăn học. Thoáng chút buồn…

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói đầy triết lý của một đồng nghiệp: Bóng đá vốn dĩ là một trò chơi, nhưng trò chơi ấy mang trong nó rất nhiều hàm lượng cái đẹp - cái mà nói như Dostoievski là "chỉ có nó mới có thể cứu rỗi thế giới, cứu rỗi tâm hồn".

Một ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sắp chính thức khai màn. Sẽ có bao nhiêu tâm hồn được "cứu rỗi" nhờ cái đẹp?