Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tặng “cần câu” cho người nghiện sau cai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự "trợ lực" của các DN và tình nguyện viên, hàng ngàn người nghiện sau cai ở Hà Nội đã có việc làm, ổn định cuộc sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Những việc làm thiết thực

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, đến tháng 11/2014, Hà Nội có gần 5.000 người nghiện sau cai. Với chủ trương giúp người nghiện trở lại cuộc sống, từ năm 2011 đến nay, TP đã hỗ trợ dạy nghề, vay vốn cho gần 1.000 người, trong đó khoảng 600 người được tạo việc làm. "Để họ tìm được công việc ổn định, ngay trong thời gian cai nghiện tại các trung tâm, học viên đã được đạo tạo một số nghề như: Cơ khí, may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, cắt tóc, mộc dân dụng, tin học văn phòng, lái xe... kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất" - ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, hành trình tìm việc của họ vẫn gian nan bởi tay nghề chưa cao, lại thêm những ngại ngần từ cộng đồng.

Để khắc phục hạn chế này, tại nhiều xã, phường đã có những hoạt động thiết thực như: Lồng ghép với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm; Đứng ra bảo lãnh, vận động các DN nhận người sau cai nghiện vào làm việc... Những người không đủ sức khỏe và trình độ để làm trong các công ty, xí nghiệp thì được tạo điều kiện vay vốn kinh doanh, chăn nuôi hoặc trồng trọt. Sau một thời gian thực hiện, nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Hơn thế, nhiều DN đã chủ động tiếp nhận người sau cai vào làm việc, điển hình,  Công ty CP Dây cáp điện Long Á (quận Ba Đình). "Tôi nhận họ vào làm việc vì Công ty có 2 nhân viên là vợ của người nghiện sau cai. Thời gian đầu, các nhân viên khác cũng lời ra tiếng vào nhưng sau một tháng, họ đã tự tin hòa nhập, lao động rất tốt và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp" - ông Lê Long Hiệp - Giám đốc Công ty chia sẻ.

“Người chết sống lại”

Anh Phùng Viết Minh (SN 1979, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên) là một trong 2 người nghiện sau cai được nhận vào làm việc tại Công ty CP Dây cáp điện Long Á. Cánh tay hỗ trợ từ cộng đồng này thực sự đã giúp anh Minh đổi thay. Anh tâm sự: "Sau khi đi cai và được nhận vào làm lái xe tại Công ty CP Dây cáp điện Long Á, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn. Tôi như "người chết sống lại", cân bằng tinh thần và sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Tết Dương lịch này, Giám đốc còn thưởng thêm cho tôi 1 triệu đồng. Tôi cảm thấy cuộc sống rất có ý nghĩa". Cuộc sống của anh Trương Mạnh Cường (SN 1973, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cũng hoàn toàn đổi khác khi được CLB B93 giúp đỡ. Anh bày tỏ: "Sau khi cai nghiện trở về, tôi đã nhận thức được những hành vi trước đây của mình làm là trái pháp luật, gây ảnh hưởng lớn tới xã hội. Được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, nhất là sự cổ vũ của các tình nguyện viên CLB B93, tôi đã từ bỏ ma túy, mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh và sống lành mạnh để có thể trở thành một người tốt".

Không chỉ là địa phương có nhiều DN tham gia tạo việc làm cho người nghiện sau cai, Hà Nội còn là nơi có đội ngũ tình nguyện viên đông đảo nhất cả nước với khoảng 50 CLB B93 và gần 6.000 tình nguyện viên. Rất nhiều người trong số đó dành nhiều tâm huyết với công việc. Như bà Đinh Thị Lan, 72 tuổi, tình nguyện viên CLB B93 phường Mai Dịch, Cầu Giấy, hơn 10 năm tham gia CLB, giúp đỡ 8 đối tượng sau cai nghiện rút tên khỏi danh sách quản lý của địa phương. Bà tâm sự: "Dù nắng hay mưa, sớm hay tối, tôi không quản ngại, chỉ mong sao việc làm của mình giúp ích được cho các cháu để các cháu sớm tỉnh ngộ, tìm được cho mình tương lai tươi sáng. Đó cũng chính là niềm vui lớn nhất của tôi".

Vậy là, để giúp người nghiện sau cai ổn định cuộc sống không chỉ cần sự hỗ trợ của riêng những người làm công tác cai nghiện. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc tặng cho người sau cai nghiện "chiếc cần câu" thực sự có ý nghĩa. Vì thế, ông Nguyễn Kim Hùng cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để có thêm nhiều tổ chức, cá nhân "chung tay" tạo việc làm cho người sau cai nghiện.