Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cơ hội cho các doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo các chuyên gia, Hiệp định FTA Việt Nam-EU khi được ký kết sẽ có tác động mới đến nền kinh tế của hai bên, đồng thời mang lại những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Phiên đàm phán thứ ba của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU vừa diễn ra vào cuối tháng 4/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh và phiên đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7/2013.
 
Với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-EU, quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai bên đã liên tục tăng trưởng.

Tăng cơ hội cho các doanh nghiệp - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
 
Trong vòng 10 năm (từ 2002-2012), kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã tăng 5,9 lần (từ 4,99 tỉ USD lên 29,1 tỉ USD), xuất khẩu Việt Nam vào EU tăng gần 6,4 lần và nhập khẩu tăng 4,77 lần. Hiện tại, EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực gồm giày dép, dệt may, càphê, đồ gỗ, thủy hải sản…

Bên cạnh đó, EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, tính đến năm 2012, có hơn 1.830 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 36 tỉ USD.

Các nhà đầu tư của EU, đã có mặt ở hầu hết những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất là công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ. Do đó, Hiệp định FTA Việt Nam-EU đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-EU.

Theo ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, trong thời gian qua mối quan hệ thương mại Việt Nam-EU ngày càng phát triển theo xu hướng tích cực, góp phần giảm thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với các nước khác; đồng thời không mang tính cạnh tranh mà có tính bổ sung và tương hỗ. Nhưng tính cho đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào EU chỉ được hưởng Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và không được áp dụng Quy chế tối huệ quốc (toàn bộ hàng hóa nhập khẩu với mức thuế suất bằng 0%, trừ một số mặt hàng nhạy cảm), nên tính cạnh tranh bị hạn chế so với một số nước.

Việt Nam cũng chưa tận dụng hiệu quả GSP (chỉ đạt khoảng 53,7% ở các mặt hàng), trong khi đó dự đoán đến năm 2015, nhiều ngành hàng sẽ vượt ngưỡng trưởng thành và không được hưởng GPS nữa, nên Hiệp định FTA Việt Nam - EU đóng vai trò tạo cầu nối trong tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ của hai nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Hiệp định FTA Việt Nam-EU, với những cam kết thỏa thuận của hai bên mang tính bền vững và ổn định cao, tác động quan trọng về thuế suất giúp thâm nhập thị trường an toàn, cho phép doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao công nghệ, trao đổi kỹ năng-đào tạo.

Đánh giá tác động của Hiệp định FTA Việt Nam-EU dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP), cho rằng bên cạnh các lợi thế như giảm nhẹ những biện pháp phòng vệ thương mại, xâm nhập sâu hơn vào thị trường thông qua liên kết với các tập đoàn bán lẻ, mở rộng cơ hội lựa chọn nguồn cung chất lượng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ… doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với khá nhiều thách thức. 

Do đó, kiến nghị EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; đưa ra khung hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận, hợp tác về vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và quy định về biện pháp kiểm dịch động-thực vật (SPS) bao gồm cả đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các biện pháp chuyển giao tri thức và tăng cường dịch vụ công.

Theo định hướng quan hệ thương mại Việt Nam-EU đến năm 2020, chiến lược xuất-nhập khẩu của Việt Nam tập trung tăng cường kết hợp với đối tác chiến lược, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại, đa dạng hóa thị trường, đạt tốc độ tăng trưởng 11%/năm; trong đó, phát triển xuất khẩu theo chiều rộng và sâu, tăng sản phẩm sơ chế và chế biến, giảm dần nhóm nguyên liệu thô, khoáng sản… đồng thời chủ động nhịp độ nhập khẩu, chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ cao phục vụ sản xuất bền vững, đa dạng nguồn cung. Như vậy, trong tương lai EU vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội và thị trường chiến lược của xuất khẩu Việt Nam.