Theo văn bản của VAFI, việc Cục Viễn thông chấp thuận tăng giá 3G dựa trên các số liệu về giá thành dịch vụ do 3 nhà mạng cung cấp trên cơ sở cam kết của 3 nhà mạng mà bỏ qua khâu thẩm định giá là không đúng về mặt nguyên tắc. Ví dụ, mỗi lần giá xăng tăng đều có sự thẩm định của Bộ Tài chính đi kèm với việc công khai tài chính ở mức tương đối từ Petrolimex… Vậy, vai trò thẩm định của Cục Viễn thông ở đâu trong trường hợp tăng cước 3G?
Câu chuyện minh bạch hóa thông tin của 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone cũng có vấn đề. Theo thông lệ quốc tế, để quản lý các DN cung cấp dịch vụ đại chúng, cơ quan quản lý phải yêu cầu DN công khai các thông tin trên website. Nội dung phải công bố công khai gồm: Báo cáo tài chính chi tiết định kỳ theo từng quý, từng năm; công bố chi tiết từng khoản doanh thu, từng khoản lợi nhuận từ các dịch vụ cung cấp; chi tiết các thỏa thuận hợp đồng ăn chia tiền cước với đối tác nước ngoài; công bố chi tiết các khoản chi phí ở mức vừa và lớn (đi kèm với suất đầu tư hay đơn giá) để người tiêu dùng có cơ sở kiểm soát giá thành xem có hợp lý hay không; thuyết minh giải trình chi tiết của DN về các đợt tăng giá cước các loại dịch vụ…
Tuy nhiên, website của 3 DN này không hề có những thông tin trên, chỉ có Viettel, Mobifone đưa thông tin tóm tắt chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu nói chung của một số năm trước.
Cũng theo Hiệp hội này, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, hầu hết đại bộ phận DN trong nước phải thực hiện chế độ khấu hao chậm. Tuy nhiên, Bộ TT&TT lại cho phép Viettel, MobiFone, Vinaphone thực hiện khấu hao nhanh toàn bộ vốn đầu tư cho mạng 3G chỉ trong vòng 2 - 3 năm. Theo giải thích của Bộ TT&TT, thực hiện chế độ khấu hao này là do công nghệ viễn thông mau lạc hậu, đồng thời giúp DN có cơ hội thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư. Trong văn bản viết: "Có lãnh đạo nhà mạng nào dám khẳng định rằng chỉ sau 3 năm khai thác, toàn bộ hạ tầng dịch vụ 3G sẽ bị thanh lý vì công nghệ lạc hậu? Việc cho phép DN khấu hao rút ngắn thời gian khấu hao còn khoảng 1/3 vòng đời của tài sản cố định sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN, đồng thời đẩy giá thành dịch vụ lên cao và từ đó làm cơ sở cho việc tăng giá cước có vẻ hợp lý".
Giá cước 3G của các doanh nghiệp viễn thông gây phản ứng mạnh mẽ từ phía khách hàng. Ảnh: Việt Dũng
|
Theo số liệu của Cục Viễn thông, 3 DN: Vinaphone, MobiFone, Viettel đã đầu tư vào mạng 3G là 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kiến nghị của mình, VAFI cho rằng khoản đầu tư này chỉ tương ứng với khoản cổ tức 3 năm mà Nhà nước không thu. Đó là chưa nói trong nhiều năm liền, 3 DN trên không phải đóng cổ tức cho Nhà nước, số tiền này lên tới 10.000 tỷ đồng mỗi năm. "Với nguồn lợi nhuận khổng lồ của Nhà nước để lại DN thì việc tăng cước 3G là khó chấp nhận, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay" - VAFI nêu quan điểm. |