Theo báo cáo tại hội thảo, trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, số lượng người lao động Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài đã gia tăng đáng kể. Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng hơn 500 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, ngay từ khi có ý định đi làm việc tại nước ngoài, người lao động cần trang bị đầy đủ thông tin, kinh nghiệm, các hình thức dịch vụ, hỗ trợ pháp lý khác nhau để chuẩn bị cho hành trình di cư lao động của mình. Để hỗ trợ hiệu quả cho lao động di cư, theo các đại biểu, cần tập trung thực hiện các biện pháp ổn định và mở cửa thị trường, chú trọng công tác nghiên cứu thông tin thị trường lao động ngoài nước, dự báo nhu cầu lao động ở các thị trường để có đối sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, rà soát lại các doanh nghiệp được cấp giấy phép, kiên quyết xử lý các vi phạm xuất khẩu lao động. Với ba phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trợ giúp pháp lý; xây dựng cơ chế khiếu nại của các nước trong khu vực ASEAN; khuyến nghị các giải pháp, kế hoạch hành động thúc đẩy hỗ trợ pháp lý cho lao động di cư Việt Nam...