Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường công tác dự báo để thúc đẩy kinh tế phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, sáng 6/6, tập thể UBND TP Hà Nội họp phiên...

Kinhtedothi - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, sáng 6/6, tập thể UBND TP Hà Nội họp phiên thường kỳ, cho ý kiến cho Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp.

Kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng 

Theo báo cáo (dự thảo) của Sở Kế hoạch & Đầu tư, kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng còn thấp hơn mức cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 8,1% - cao hơn quý I (6,6%) và cùng kỳ năm 2013 (7,85%). Tuy nhiên, mức tăng GRDP cả 6 tháng ước tăng 7,4% - thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước 7,67% và ước bằng 1,5 lần mức tăng cả nước. Tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng ước thực hiện 62.446 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ; TP đã giảm, gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là 1.302 tỷ đồng, tiếp nhận 58 hồ sơ gia hạn nộp tiền sử dụng đất với số tiền dự kiến là 13.038 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế thảo phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội ngày 6/6/2014 về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014. Ảnh: Anh Quý
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế thảo phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội ngày 6/6 về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014.
Đáng chú ý, xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu quý II tăng 18,8% - gấp gần 2 lần mức tăng quý I (9,8%). Cộng dồn 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 14,4%, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 12.2% (cùng kỳ năm trước tương ứng là 0,2% và 0,1%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng cao nhất (đạt trên 20%). Ngược lại, nhập khẩu giảm 3,5%, tập trung nhóm hàng máy móc, thiết bị giảm trên 20%; nguyên, nhiên liệu giảm khoảng 1%.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Việt Nam chi nhánh Hà Nội: Ngành ngân hàng đang tổ chức Chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với gói tín dụng 12.000 tỷ đồng, đề nghị các quận huyện, sở ngành tạo điều kiện thủ tục để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận gói này và thực hiện tại các quận, huyện…

Thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc. Số lượng nhà, căn hộ tồn kho đã giảm 1.612 căn (còn 5.366 căn), trong đó, nhà liền kề thấp tầng 442 căn, nhà căn hộ 1.170 căn. Đã có hơn 1.600 giao dịch thành công, bằng 145% của cả năm 2013, tập trung ở các dự án TimesCity, No9 Cầu Giấy… 

Các ngành công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ quý II đều tăng hơn quý I, tuy nhiên vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, ngành dịch vụ tăng 8,2% so với 9,11% năm 2013; tổng mức bán lẻ tăng10,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 12%, các năm trước đó tăng cao hơn 20%). Riêng sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất ngành 6 tháng ước đạt gần 17 nghìn tỷ đồng (giá cố định) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013…

Tăng cường dự báo tình hình kinh tế

Tại phiên họp, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trong bối cảnh những tháng đầu năm rất khó khăn, song kinh tế TP vẫn duy trì tăng trưởng khá, gấp 1,5 lần so bình quân cả nước. Điều này, thể hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền TP, đã thực hiện nghiêm túc, các Nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP. Theo Chủ tịch, mặc dù kinh tế chưa đạt chỉ tiêu nhưng rõ ràng các ngành vẫn duy trì được tăng trưởng và quý sau cao hơn quý trước. Nổi bật trong đó là sản xuất nông nghiệp, duy trì tăng trưởng ổn định mặc dù đầu năm gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách đạt khá; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường tiếp tục giữ vững, đạt tiến độ; sự nghiệp văn hóa, GD&ĐT được quan tâm chú trọng, an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt an ninh, chính trị trật tự xã hội được giữ vững ổn định, bảo đảm yên lòng các nhà đầu tư … 

Chủ tịch cũng nhấn mạnh, thời gian tới, kinh tế còn phải đối mặt với những khó khăn, nhất là những tác động tiêu cực cho nền kinh tế nói chung khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam.

Đồng chí đề nghị Sở KH&ĐT cũng như các cấp, các ngành cần, tiếp tục bám sát vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm để đề xuất các giải pháp thực hiện cho hợp lý và hiệu quả nhất. Trong đó, cần nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình biển Đông, trên cơ sở đó, chủ động dự báo, đưa ra các giải pháp ứng phó, bảo đảm an ninh kinh tế, tăng cường công tác phối hợp để đấu tranh phòng ngừa các loại hình tội phạm mới về công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;.. nắm chắc tình hình diễn biến hoạt động các khu công nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giữ vững ổn định trật tự, bảo đảm đảm môi trường đầu tư; tăng cường cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh để thúc đẩy kinh tế phát triển như chi tiêu, kế hoạch đề ra.

Liên quan thu chi ngân sách, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Tài chính làm rõ vì sao kinh tế tăng trưởng như vậy mà thu ngân sách vẫn đạt chỉ tiêu. Trong phân bổ ngân sách, cần chỉ rõ nguồn đầu tư cho XDCB đang rất hạn hẹp, việc phát hành trái phiếu là hết sức cần thiết. Cùng với đó, cần nghiên cứu cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn xã hội để đẩy mạnh đầu tư công; tiếp tục tăng cường công tác giảm chi, tiết kiệm chi phí xăng dầu, không mua sắm ô tô mới, không xây dựng trụ sở mới…

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở KH&ĐT tiếp thu thêm các ý kiến tại cuộc họp để hoàn chỉnh báo cáo trình UBND TP xem xét trước khi đưa ra HĐND tại kỳ họp tới.
Nguyễn Đức Chung – Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội: Đề nghị TP sớm có quy hoạch khai thác khoáng sản để tiện quản lý, nhất là khai thác cát, đang bị thả nổi, nhà nước thất thu lớn; đồng thời các đơn vị cần phối hợp với CATP để phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao, tăng cường công tác hậu kiểm doanh nghiệp và an ninh tại các khu công nghiệp…