Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường công tác hậu kiểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), nhất là khâu hậu kiểm DN, từ đó hạn chế đến mức cao nhất việc lợi dụng BHĐC để lừa đảo người tiêu dùng, đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm các hình thức kinh doanh bất hợp pháp, lợi dụng mô hình kinh doanh BHĐC do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa tổ chức.

Lợi nhuận không từ bán hàng

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù năm 1998 mô hình BHĐC mới xuất hiện nhưng hiện cả nước đã có 77 DN được cấp phép đăng ký tổ chức BHĐC hoạt động kinh doanh tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, thu hút trên 1 triệu người tham gia.

Ông Võ Đan Mạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam cho biết: Nhà nước đã có quy định rõ, hàng hóa kinh doanh theo phương thức BHĐC phải là có nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ về chất lượng rõ ràng; chưa cho phép đưa các mặt hàng là sản phẩm dịch vụ vào kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, một số DN như: Mua Bán 24, Tâm Mặt Trời… đã dụ dỗ, lừa đảo khách hàng mua sản phẩm dịch vụ là gian hàng ảo trên mạng, chi trả hoa hồng khi khách hàng lôi kéo thêm người tham gia vào mạng lưới này. Hay như trường hợp Công ty Cộng Đồng Việt, Colonyinvest sử dụng hình thức huy động đầu tư tài chính bất hợp pháp bằng việc chiêu dụ khách hàng góp vốn qua mạng internet với mức lãi cực cao, tiền thưởng hậu hĩnh…

Tăng cường công tác hậu kiểm - Ảnh 1
Đọc lệnh bắt khẩn cấp Đặng Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Muaban24 TP Buôn Mê Thuột (Đắk lắk).

Đại tá Lê Văn Tam, Trưởng phòng 7, Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an cho biết: Trên thực tế, do mức phân chia hoa hồng của kinh doanh đa cấp khá lớn, nên đa phần các thành viên tham gia đều không kinh doanh thực sự mà chủ yếu đặt mục tiêu thu lợi nhuận từ việc giới thiệu người khác tham gia. Việc làm này đã tiếp tay cho các công ty kinh doanh đa cấp bất chính.

Đâu là nguyên nhân

Việc một số công ty núp bóng BHĐC để lừa đảo người tiêu dùng có một phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc buông lỏng kiểm soát hoạt động này.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiện các cơ quan chức năng không thể kiểm soát tình trạng BHĐC bất chính là do việc kinh doanh theo mô hình này xây dựng hệ thống mạng chằng chịt theo kiểu truyền miệng. Bên cạnh đó, năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP thừa nhận tính hợp pháp của BHĐC, nhưng trong thực tế quản lý đã phát sinh một số hạn chế như: Quy trình cấp giấy phép đăng ký tổ chức BHĐC; chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh; chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh việc lôi kéo mạng lưới giữa các DN, sử dụng mô hình trả thưởng bất chính, áp dụng phương thức kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Không chỉ có vậy, ngay cả việc phát hiện các công ty BHĐC hoạt động không giấy phép rất khó, ngay cả khi bị phát hiện cũng khó xác định hành vi vi phạm, bởi đa số đều đổ cho nhân viên tự ép nhau mua hàng, đóng tiền...

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng BHĐC để lừa đảo, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số nội dung Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất tăng mức ký quỹ của DN BHĐC bởi mức ký quỹ như hiện nay không đủ để giải quyết sự cố xảy ra; tăng nặng hình phạt đối với DN vi phạm. Bên cạnh đó, buộc DN khi mở rộng hoạt động kinh doanh ở đâu phải có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan chức năng sở tại để dễ quản lý.

Ông Tam cho hay, Bộ Công an cũng sẽ cương quyết xử lý hình sự đối với các tập đoàn đa cấp bất chính mà việc khởi tố hàng loạt lãnh đạo các công ty đa cấp lừa đảo như thời gian vừa qua là một minh chứng rõ nét.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh việc hậu kiểm các DN đăng ký kinh doanh BHĐC sau khi đi vào hoạt động, tránh tình trạng "thả gà ra đuổi" như hiện nay.