KTĐT - Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết tính đến ngày 23/2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra toàn bộ 70 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm tra, chi cục đã phát hiện và xử lý 8 cửa hàng vi phạm do giấy chứng nhận kinh doanh hết thời hạn; 6 cửa hàng bán hạn chế dầu diesel ra thị trường.
Qua thực tế kiểm tra, tất cả các cửa hàng này đều hết hàng dự trữ trong kho, do việc cung ứng dầu không kịp. Nếu trước kia, các đại lý chỉ cần đặt trước 24 giờ là có hàng, thì đến thời điểm này phải 2-3 ngày mới có hàng.
Ông Lợi cũng cho biết chi cục đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về vấn đề này và đề nghị các công ty đầu mối tăng cường nguồn hàng để đảm bảo đủ nguồn cung ứng ra thị trường.
Ngày 23/2, ông Kiều Xuân Việt – Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng cho biết qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh về việc nhiều trạm xăng ngừng bán, đoàn kiểm tra chỉ xử lý được một trường hợp tự ý tăng giá xăng trái phép. Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Ka Đô (xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) đã vi phạm về giá bán và bán hàng không lập hóa đơn chứng từ.
Đối với các cơ sở xăng dầu nghỉ bán đột xuất hoặc bán nhỏ giọt, cầm chừng, hạn chế thời gian (mở cửa trễ, đóng cửa sớm) thì đoàn không xử lý mà chỉ nhắc nhở vì "một số trạm đã hết hàng, một số khác đang tiến hành sửa chữa và một số doanh nghiệp có ý kiến nhà phân phối chỉ cung cấp nhỏ giọt và phải nhập hàng với giá cao nên kinh doanh thua lỗ."
Cùng ngày, khảo sát tại thành phố Đà Lạt cho thấy vẫn còn nhiều trạm xăng đóng cửa hoặc chỉ bán cầm chừng như trạm xăng dầu Nam Thiên (đường Hoàng Văn Thụ), trạm xăng Hồng Hưng (đường Phan Đình Phùng), trạm xăng dầu số 11 trên đường Nguyễn Văn Cừ...
Ngoài ra, ngay cạnh trạm xăng Hồng Hưng và trạm xăng số 11 còn xuất hiện điểm bán xăng lẻ với những can xăng cỡ lớn (loại 30 lít) với giá 20.000 đồng/lít.
Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết trong 5 ngày qua trên địa bàn tỉnh, hi cục đã phát hiện và lập biên bản 15 cửa hàng bán xăng dầu ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt với nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là do không còn xăng dầu để bán.
Các chủ cửa hàng cho biết nguyên nhân ngưng bán xăng là do tổng đại lý không cung ứng đủ xăng dầu hoặc cung ứng rất nhỏ giọt, không đủ bán; một số cửa hàng chỉ bán cầm chừng, hoặc bán cho người quen.
Số cửa hàng vi phạm tập trung chủ yếu ở thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành.
Cơ quan chức năng đã làm việc với chủ các cây xăng trên. Đến nay, hầu hết đều đã bán lại bình thường, chưa phát hiện các vi phạm khác như tự ý tăng giá xăng hoặc “ăn bớt” xăng để kiếm lãi.
Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian qua có tình trạng khan hiếm xăng dầu, thêm vào đó là chiết khấu hoa hồng cho các cửa hàng quá thấp nên nhiều cửa hàng bán nhỏ giọt hoặc tạm ngưng bán hàng, gây ảnh hưởng lớn cho người tiêu dùng.
Sở chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và các tổ kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ; kiên quyết xử lý các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán.
Hiện trên địa bàn Đồng Nai có 340 điểm kinh doanh xăng dầu của gần 200 doanh nghiệp./.