Hiện Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc giai đoạn đến năm 2020 - định hướng đến 2030. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang hoàn thiện đề cương Đề án “Đổi mới phương thức tổ chức kinh doanh nông sản nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”, thu thập tài liệu liên quan nhằm triển khai Đề án một cách hiệu quả.
Riêng trong tháng 10/2012, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã kiểm tra 12.523 trường hợp, xử lý 6.257 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.295 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 1.010 vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; 2.658 vụ kinh doanh trái phép và 1.294 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá. Số tiền thu về là 25,6 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 17,4 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 7,9 tỷ đồng và truy thu thuế 300 triệu đồng. |
Ngoài ra, tới đây Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ ban hành Quyết định hướng dẫn cơ chế thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường tại các địa phương, gửi Bộ Tài chính xin ý kiến. Trước tình hình giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng tăng cao, sau khi xem xét giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Bộ Tài chính đồng ý chủ trương tiếp tục cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít đối với xăng, dầu.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt Quyết định ban hành lộ trình bắt buộc phối trọn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Trong các giải pháp lành mạnh hóa thị trường nội địa dịp cuối năm 2012 và thời gian tiếp theo, đáng chú ý Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) trực thuộc tập trung khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất. Đồng thời, chủ động đề xuất biện pháp cụ thể gỡ vướng cho sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các DN thuộc Bộ vừa ký kết trong tháng 10/2012.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, lực lượng QLTT và DN phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá các mặt hàng thiết yếu để linh hoạt điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu.
Các DN trong ngành cũng cần tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, nhất là tại các vùng biên giới, hải đảo.