Tăng cường liên kết vùng để cung cấp thực phẩm sạch đến người dân

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc dự Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn".

Cùng dự có Phó Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri.
Đánh giá hình hình quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2017, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, TP có tổng diện tích canh tác rau là 12.000ha với 40 chủng loại rau, sản lượng đạt gần 600.000 tấn/năm. Đến nay, diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt trên 5.000ha, 224ha rau VietGap và gần 50ha rau hữu cơ. Đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế rau an toàn với công suất 3 - 7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của HTX và DN, công suất từ 200 - 1.000 kg/ngày. Việc lấy mẫu rau phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua cho thấy tỷ lệ vượt ngưỡng từ 1 - 2% mẫu phân tích.
Đối với kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về ATTP, ông Tường thông tin, từ năm 2011 đến nay đã có 67.579 lượt cơ sở được tranh, kiểm tra, phát hiện trên 8.400 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 12,5%). Tổng số tiền phạt khoảng 11,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước sản xuất nông sản, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, các hộ đang sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông sản đã đưa ra những ý kiến xoay quanh công tác kiểm tra vệ sinh, ATTP, trách nhiệm công tác điều hành công tác phối hợp vẫn còn chưa có đầu mối chỉ đạo. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần sửa đổi một số quy định của nhà nước, đặc biệt là các thông tư, các quyết định, nghị định hay các điều khoản trong Luật vệ sinh ATTP, từ đó xem xét việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.
Hầu hết ý kiến cử tri đều kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ Thông tư 45 năm 2014 của Bộ NN&PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP. Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Thông tư này đã làm tăng số lần kiểm tra đối với DN; tăng thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước. Bộ chủ quản cũng cần sửa đổi quy định để tiến tới chứng nhận nông hộ, công bố hợp quy để người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Đồng tình với kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) nêu một số bất cập của Thông tư 45 trong sản xuất. Cụ thể, chứng nhận điều kiện sản xuất RAT theo Thông tư 45 không có tác dụng kiểm soát chất lượng, không có ý nghĩa quảng bá thương hiệu mà còn làm tăng chi phí cho HTX, làm tăng số lần kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Cử tri phát biểu tại hội nghị.
Cho rằng sản phẩm an toàn đang bị đánh đồng giống với sản phẩm theo chuỗi, an toàn, người dân vẫn chưa mặn mà với những sản phẩm theo chuỗi, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) kiến nghị, với các cấp phải gia tăng kiểm tra kiểm soát, có chế tài xử phạt nghiêm minh với những cơ sở SXKD vi phạm pháp luật. Nhà nước nên giảm bớt TTHC, cùng với đó cần có chính sách để các DN tiếp cận được đồng vốn. Để các chuỗi phát triển, trước hết để đi vào với khách hàng, các bếp ăn tập thể sử dụng những thực phẩm an toàn theo chuỗi, “chuyển từ sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát và cấp đông”.
Cũng tại hội nghị, nhiều cử tri đã kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch.
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của những người cử tri đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội rất cần nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông nghiệp… Để có sản phẩm hữu cơ cần thay đổi từ nhận thức của người dân, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hội phụ nữ, hội nông dân… “Riêng vấn đề ATTP, Phó Chủ tịch các phường, xã hàng tuần phải đi chợ, các hàng quán kinh doanh để thăm dò tình hình thực tế. Lãnh đạo luôn tin tưởng đồng hành cùng bà con nông dân, tiếp sức cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp sạch và thực hiện tốt các chính sách trong lĩnh vực này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Hà Nội là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn, trong khi đó nguồn đáp ứng được như sản phẩm thịt chỉ đạt khoảng 60 - 70%; có những sản phẩm đạt rất thấp. Còn lại phải nhập thêm từ bên ngoài. Do đó, việc bảo đảm sản xuất sản phẩm sạch trên địa bàn đang đặt ra đòi hỏi, nhu cầu rất cao. HĐND TP đã giám sát liên tục về vấn đề này nhưng đáp ứng được nhu cầu. Từ yêu cầu thực tiễn như vậy, chính sách pháp luật của Nhà nước khuyến khích người nông dân tạo ra nhiều sản phẩm sạch cho người tiêu dùng đã thỏa đáng chưa? Qua 11 ý kiến của các cử tri, cho thấy chuyên đề giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nội dung này HĐND TP đã giám sát qua 4 kỳ liên tục song kết quả từ thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
 Các đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri.
Với những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Văn phòng Quốc hội tổng hợp và gửi đến đúng địa chỉ để có những rà soát, điều chỉnh kịp thời. Đồng thời thông tin, từ năm 2013 đến nay, HĐND đã ra 4 nghị quyết để hỗ trợ 9 lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm sạch, mô hình sản xuất mới. UBND TP cũng ban hành 5 kế hoạch với mong muốn có chính sách hỗ trợ cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh và chế biến để đưa đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm sạch. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, 4 nghị quyết của HĐND cần tiếp tục được điều chỉnh. Sở NN&PTNT cần tham mưu cho UBND TP đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có cả những chính sách của trung ương và của Hà Nội để phù hợp với cơ chế đặc thù về nông nghiệp Thủ đô.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, qua đánh giá để xem cần bổ sung, điều chỉnh những gì để chính sách thật sự đi vào cuộc sống, đến được với người nông dân. HĐND TP cũng sẽ có đánh giá độc lập về những nội dung này để rút ra bài học và đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 tới. Cùng với đó, yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện giải pháp về tăng cường liên kết trong vùng để cung cấp thực phẩm sạch đến người dân; có phương án giám sát để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần